Friday, July 27, 2012

Còn mãi những nhớ thương

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Tôi đã trở thành một trong những người Việt hạnh phúc nhất khi được đặt chân lên dải phên dậu kiêu hãnh ấy. Vạn Lý Trường Sa - vạn lý yêu thương. Bài viết này xin kính nhớ những hương hồn liệt sĩ đã nằm lại với biển Trường Sa.

(ICTPress) - Trong “Đại nam nhất thống toàn đồ”- tấm bản đồ do nhà Nguyễn vẽ năm 1838 - chỉ rõ, ở bên cạnh, gần miền Trung là quần đảo Hoàng Sa, phía dưới  là Vạn Lý Trường Sa. “Hải Lục” của Vương Bính Nam - một người Trung Quốc chép năm 1842 viết: Vạn Lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu cuả An Nam.

Và tôi đã trở thành một trong những người Việt hạnh phúc nhất khi được đặt chân lên dải phên dậu kiêu hãnh ấy. Vạn Lý Trường Sa - vạn lý yêu thương. Bài viết này xin kính nhớ những hương hồn liệt sĩ đã nằm lại với biển Trường Sa.

Chúng tôi lên đường ra Trường Sa từ cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh. Ra điểm tập kết khá sớm, nên mọi người tranh thủ ngắm bình minh trên cảng, chiêm ngưỡng những chiếc tàu dân sự, quân sự đang neo đậu dọc hai bờ sông Đồng Nai mênh mông, chợt có một thủy thủ rất trẻ trên tàu HQ 501, chiếc tàu vận tải quân sự thuộc biên chế của Lữ đoàn 125 Hải quân, bước vội xuống và hỏi:

- Có phải các cô chú ở trong đoàn chuẩn bị ra Trường Sa không ạ?

 Những cái gật đầu thay cho lời xác nhận. Chàng trai vội móc trong túi áo ra một phong bì thư và nói:

- Các chú cho cháu gửi bức thư này ra cho bố cháu ở Trường Sa.

Người đón nhận bức thư là thiếu tá Lê Thế Phong, Phó bí thư Đoàn thanh niên Tổng cục an ninh 1. Nhìn địa chỉ trên phong bì, anh sững sờ. Thư đề: “Gửi ba Phong, đảo trưởng đảo Gạc Ma”. Mọi người đều lặng đi.

Thì ra chàng thủy thủ này chính là Nguyễn Tiến Xuân, một trong hai người con trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, người đảo trưởng đã ngã xuống cùng 63 đồng đội của mình trong cuộc chiến đấu đẫm máu bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự xâm lược của "Nước ngoài", ngày 14/3/1988. Câu chuyện cảm động về gia đình liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong đã được đăng tải trên nhiều trang báo. Ngày ba Phong hy sinh, Xuân mới bốn tháng tuổi, anh trai Nguyễn Mậu Trường 2 tuổi. Ở quê hương gió Lào cát trắng Lệ Ninh - Quảng Bình, người mẹ trẻ Trần Thị Liễu đã chèo chống với cuộc sống gian nan, nuôi hai cậu con trai khôn lớn, để rồi họ lại tiếp bước người cha thân yêu, trở thành chiến sĩ hải quân. Cả hai anh em đều lần lượt xung phong ra Trường Sa. Sau 4 năm gắn bó với các đảo, bây giờ Trường đã giải ngũ. Còn Xuân, sau kỳ thực tập trên tàu 501 sẽ tốt nghiệp Học viện hải quân, chính thức trở thành sĩ quan như cha anh, thượng úy Nguyễn Mậu Phong.

Biết chuyến tàu của chúng tôi không đi qua khu vực Cô Lin - Gạc Ma, Xuân hơi buồn, nhưng vẫn gửi thư đi, vì đoàn công tác nào cũng làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển Trường Sa. Xuân dặn: “Chừng nào làm lễ tưởng niệm, chú gửi thư cho ba cháu giúp cháu nhé”.

Thả hoa viếng các liệt sỹ Gạc Ma

Bức thư của người con trai gửi người cha đã khuất được thiếu tá công an Lê Thế Phong nâng niu và trân trọng cài vào vòng hoa trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên vùng biển Trường Sa. Không ai nỡ hỏi Xuân tâm sự gì với cha, bởi Xuân cũng đã từ chối khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết báo về việc này. Xuân bảo đây là chuyện tình cảm của hai cha con thôi. Nhưng chắc chắn bức thư ấy sẽ mang niềm thương nhớ không nguôi của một người con chưa từng biết mặt cha mình. Nhận được thư con, ở nơi biển sâu lạnh giá, linh hồn liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong chắc cũng ấm áp hơn.

Cùng đi trong đoàn công tác có nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã từng là lính Trường Sa. Tôi ám ảnh mãi câu nói của tác giả Đảo chìm trong chuyến trở lại Trường Sa lần này: “Đất nước mình đâu đâu cũng có nghĩa trang. Trường Sơn đã là nghĩa trang rừng. Bây giờ ta lại có nghĩa trang nước, nghĩa trang biển. Biển Đông này, Trường Sa này, là một nghĩa trang khổng lồ. Đã có những đồng chí, đồng đội của tôi vĩnh viễn ở lại với biển”.

Quả là như thế. Nơi biển Đông thăm thẳm và mênh mông này, không ai tính được đã có bao nhiêu con cháu Lạc Hồng dâng hiến sinh mạng mình cho Tổ quốc. Trên những chiếc thuyền gỗ của hải đội Hoàng Sa, trên những con tàu không số, rồi những con tàu mang phiên hiệu HQ 505, HQ 604, HQ 605, các thế hệ người Việt đã nối tiếp nhau mở mang và giữ gìn bờ cõi. Và ngay cả giữa thời bình, máu của những người lính vẫn không ngừng đổ xuống. Trên các đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Nam Yết, Sơn Ca hôm nay, vẫn còn đó mộ phần của những người lính trẻ hi sinh khi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo. Họ nằm đó, gối đầu lên cát trắng biển xanh, trong niềm thương yêu của đồng đội.

Vẫn biết sự hy sinh nào cũng đau đớn như nhau, nhưng cứ nghĩ đến những người lính hi sinh trên đảo Gạc Ma, xác tàu còn đó mà chưa thể quy tập được hài cốt, và những người vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển lạnh lẽo thềm lục địa sau cơn bão tố định mệnh, thì nỗi đau trong lòng người sống lại quặn thắt hơn. Bởi thế, lễ tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ hi sinh trên biển Trường Sa và thềm lục địa, một nghi lễ tri ân của mỗi đoàn công tác, luôn được tổ chức trong niềm thành kính và đau đớn nhất. Có mặt trong giờ phút thiêng liêng, trong tiếng nhạc Chiêu hồn tử sĩ trầm mặc, trong khói hương nghi ngút, kính cẩn chắp tay trước ban thờ vọng anh linh các liệt sĩ, tự tay thả những bông hoa cúc vàng xuống mặt biển xanh dập dờn khi còi tàu cất lên ba hồi dài vĩnh biệt các anh, tôi không thể nào nén được những dòng nước mắt chảy tràn. Quanh tôi, khắp boong tàu, những mái đầu bạc, đầu xanh run run trong u uẩn khói hương, những tiếng nấc nghẹn ngào cố nén lại để đừng bật lên, những bàn tay thô ráp vội lau nước mắt…

Sau trận Gạc Ma, một số tàu chiến, tàu thăm dò của nước ngoài đã bắt đầu xuất hiện sâu trong thềm lục địa phía Nam của ta, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng. Trước tình hình đó, ngày 17 tháng 10 năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam. Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo” (gọi tắt là DK1). Sứ mệnh gian khó này được đặt lên vai các cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 hải quân. 23 năm qua, khi hệ thống nhà giàn DK1 từng bước được thiết lập trên thềm lục địa phía Nam, những cơn bão biển hung dữ đã làm đổ một số nhà giàn vào các năm 1990, 1996, 1999 và 2000, nhiều cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hải quân bảo vệ nhà giàn DK1 đã hi sinh.

Chiến sỹ nhà giàn DK chào đồng đội trong lễ tưởng niệm

Buổi sáng trên boong tàu hôm ấy, sau khi thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ, tôi đến bên lan can, lặng trông về phía nhà giàn DK1/14 mặc cho nước mắt tuôn rơi. Chợt nghe có tiếng nấc phía trước mình, tôi ngẩng lên. Cách tôi mấy bước chân, khuất sau một chiếc phao cứu sinh, một sĩ quan hải quân đang khóc lặng lẽ. Nhìn qua vai, thấy anh không còn trẻ, nên tôi đoán anh cùng lứa với các liệt sĩ hi sinh ở nhà giàn. Anh đứng đó, mặt hướng về nhà giàn, bàn tay sạm nắng và thô ráp chốc chốc lại vụng về lau nước mắt ướt đầm trên má. Tôi không dám làm phiền giây phút riêng tư của anh, chỉ biết hòa chung cảm xúc đau đớn và thành kính của một người lính hướng về những đồng đội đã khuất của mình. Sau đó, trong im lặng, chúng tôi cùng nhau thả hoa và tiền lẻ theo tín ngưỡng tâm linh xuống biển. Và khi tôi còn chưa kịp hỏi chuyện, sắc áo trắng của anh đã lẫn vào trong những sắc áo trắng hải quân trên tàu. Tôi hơi tiếc cơ hội làm quen với anh, chỉ chắc chắn một điều: bàn tay vừa lau nước mắt ấy sẽ sẵn sàng lên đạn và xiết cò cho đến hơi thở cuối cùng như đồng đội mình, khi Tổ quốc cần.

Những giọt nước mắt chân thành của anh nói với tôi điều ấy...

Bút ký của Nguyễn Thúy Quỳnh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

No comments:

Post a Comment