Long Đầu sơn (núi Đầu Rồng) là tên một ngọn núi của dãy Long Sơn (núi Rồng), nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía tây núi Thiên Ấn, cạnh đường thiên lý Bắc - Nam, thuộc địa phận thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh.
Dãy núi Long Sơn khởi đầu từ đây, chạy theo hướng tây nam - đông bắc, đổ về tận Sâm Hội (núi Thình Thình) thuộc huyện Bình Sơn, rồi kéo dài ra sát biển, tạo thành mũi Ba Làng An (Batangan).
Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Sơn nhấp nhô uốn lượn tựa như một con rồng thiêng, đuôi trầm mình trong vụng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà.
Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn đổ về, sau nhiều lần quanh co uốn khúc, lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu sơn, như thể đầu rồng đùa giỡn cùng con nước.
Cảm vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa nên thơ của thắng cảnh nầy, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh mới đặt cho mỹ tự “Long Đầu hý thủy” (Đầu Rồng giỡn nước).
Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần viết về núi sông tỉnh Quảng Ngãi, có đoạn:
“Núi Đầu Rồng: Tức Long Đầu, ở cách huyện Bình Sơn 31 dặm về phía Nam, hình thế khuất khúc, sống núi từ núi Sâm Hội chạy về nam, đến vực sông trà Khúc thì dừng, hình như rồng thần hút nước nên gọi tên thế. Trên núi có miếu cổ thờ Long Vận tướng quân; sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Tương truyền hồi Cao Biền nhà Đường cưỡi diều giấy đến đây yểm đoạn long mạch, hoang đường không tin được. Trong tập “Mười cảnh Quảng Ngãi” có một đề là Long Đầu hý thủy (Đầu rồng vờn nước), tức là núi nầy”.
Long Đầu sơn gắn với truyền thuyết bi tráng về vị vua Nam Chiếu khởi binh chống lại Cao Biền. Câu chuyện dân gian nầy có lẻ được người Việt di dân cách nay nhiều thế kỷ từ các vùng Hoan Ái Diễn (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) mang vào đất Quảng Ngãi, trong cuộc hành trình gian khổ mở nước về phương Nam.
Trên đỉnh núi Long Đầu có chùa Long Sơn, do một tín đồ nhà Phật sở tại tên là Dương Cang phát nguyện xây dựng rồi sau đó dâng cúng Tam Bảo. Thiền sư Chơn Trung Diệu Quang (1891 – 1952), tổ thứ 6 tổ đình Thiên Ấn, là người thay mặt tăng ni phật tử tiếp nhận ngôi chùa và cầu phúc cho vị thí chủ thành tâm. Năm 2009, chùa bị cơn bão Ketsana tàn phá nặng nề, đến năm 2010 thì được trùng tu nhờ vào ân đức của thiện nam tín nữ cùng sự trông coi, chăm sóc của hòa thượng trụ trì Thích Hạnh Niệm.
Phía tây Long Sơn tự, hướng nhìn ra vực nước sâu là ngôi miếu Bà, liền kề có dinh Sơn thần ẩn dưới bóng đa cổ thụ, chứng nhân thầm lặng của bao nhiêu lần thế cuộc thăng trầm.
Xa hơn là núi Sứa (núi Đông Dương), nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật của con người từ thời tiền Sa Huỳnh. Quá về đông, vẫn còn lưu dấu tích Văn miếu Quảng Ngãi (Đền Văn Thánh), xây dựng lần đầu năm Gia Long thứ 16 (1817).
Tại bãi cát trước đền Văn Thánh, ngày 13/7/1885 (mồng một tháng 6 năm Ất Dậu), cử nhân Lê Trung Đình và tú tài Nguyễn Tự Tân đã tập hợp nghĩa quân, làm lễ tế cờ, phát lệnh tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi, mở đầu phong trào Cần vương ở miền Trung và cả nước.
Nhìn sang hữu ngạn, ngút xa tầm mắt là thắng cảnh Thiên Bút phê vân, chếch về tây là núi Trấn Công (núi Phước), gắn liền với nhiều truyền thuyết về Trấn Quận công Bùi Tá Hán.
Trong 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi, Long Đầu hý thủy được xếp thứ 2, tiếp sau Thiên Ấn niêm hà. Núi Long Đầu, chùa Thiên Ấn, sông Trà Khúc gắn liền nhau trong nhiều câu ca lời hát dân gian, tuy mộc mạc quê mùa, nhưng chân thành, say đắm, thấm đẫm tình cảm đối với đất nước, non sông:
Sông Trà sát núi Long Đầu
Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa
Núi Long Đầu lưu danh hậu thế
Chùa Thiên Ấn, ấn để hậu hoàng
Ai về xứ Quảng cho nàng về theo.
Từ khi người Pháp xây cầu Trà Khúc, mở rộng đường số 1 Bắc Nam, cảnh vật nơi đây đã dần thay đổi. Song, cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khu vực Long Đầu vẫn còn giữ được vẻ đẹp của một vùng sông nước hữu tình. Dọc theo bờ bắc, nhìn trong tầm mắt là những guồng xe nước Trường Xuân, Đông Dương, Quán Cơm, Phú Nhơn ngày đêm cần mẫn đưa nước tưới mát những cánh đồng tận Xóm Bàu, Đồng Sạ, Đa Ngân, Phú Hòa, Trường Thọ...
Thấp thoáng trên dòng sông bốn mùa ăm ắp nước là những chuyến đò dọc, xuôi ngược từ Thu Xà, Tam Thương lên Ba Gia, Đồng Ké. Bóng chiều chầm chậm xuống, đàn chim nhạn làm tổ dưới gầm cầu Trà Khúc bay ùa ra tìm mồi, chao lượn trên mặt sông, dệt vào hoàng hôn bức tranh thiên nhiên thoáng gợn vẻ tịch liêu, trầm mặc.
Theo dòng thời gian, nhà cửa mọc nhiều lên, nước sông mỗi ngày thêm vơi cạn. Một thắng cảnh nổi tiếng từng tốn hao giấy mực của bao thế hệ thi nhân đã lặng lẽ lùi xa vào dĩ vãng, mặc cho các bức ảnh của Đặng Tùng, Nguyễn Ngọc Trinh như cố níu kéo dấu xưa cho những người hoài cổ.
Đành vậy, bể dâu biến cải âu cũng là chuyện thiên địa thường hằng. Chỉ biết, trong cuộc vần xoay nhiều khi điên đảo ấy, có một điều không bao giờ thay đổi mà tồn tại miên viễn với thời gian, đó là tấm lòng thủy chung, đôn hậu của người Quảng Ngãi. Với tha nhân, với chính mình, với từng con sông, ngọn núi trên mảnh đất quê hương.
Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Quảng Ngãi), internet
12 cảnh đẹp tiêu biểu ở Quảng Ngãi
Link to full article
No comments:
Post a Comment