(ICTPress) - Nhân dịp 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, chúng tôi, những nhà báo đã có cơ hội đến thăm quần đảo Trường Sa xin thắp một nén nhang tưởng nhớ đến những cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
(ICTPress) - Với tinh thần “Chủ quyền tổ quốc là trên hết, không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hy sinh”, đã có lớp lớp các anh, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam trên Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân dịp 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2002), chúng tôi, những nhà báo đã có cơ hội đến thăm quần đảo yêu thương xin thắp một nén nhang tưởng nhớ đến những cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa |
Nhớ lại những ngày cuối năm 1987, đầu năm 1988, lực lượng tàu quân sự “Nước ngoài” đã đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta.
Với tinh thần anh dũng, các cán bộ chiến sỹ Tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605, Lữ đoàn 125; các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân là những tập thể kiên cường đã nêu cao bản lĩnh, trí tuệ và khí phách Việt Nam.
Đó là Anh hùng liệt sỹ, trung tá Trần Đức Thông, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ, đại uý Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604; Anh hùng liệt sỹ, Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của hoả lực “Nước ngoài”, đã quấn lá cờ tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Đó là anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời trận địa, quyết giữ đảo đến cùng. Đó là anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đứng trước tình thế mất đảo, chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con tàu HQ-505 vừa chiến đấu với tàu địch và nhanh chóng cho tàu lao lên bãi đá ngầm CôLin trở thành chiến hạm nổi chiến đấu chống lại Hải quân nước ngoài và cũng là để khẳng định chủ quyền.
Vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000 do thiên nhiên hung dữ và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương một số Nhà giàn, nơi cán bộ, chiến sỹ Hải quân chúng ta đang có mặt thực hiện nhiệm vụ đã bị đổ và cuốn trôi.
Đó là cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều ngày 4/12/1990, các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng uý, Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển và rồi 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, đã nêu cao vai trò của người Bí thư Chi bộ, người Chính trị viên luôn bám sát động viên đồng đội hỗ trợ nhau để chống chọi với sóng dữ. Sau nhiều giờ xoay sở chống chọi với sóng gió dữ dội, trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh nhận thấy nếu mình sống thì người chiến sỹ yếu nhất của đơn vị sẽ hy sinh. Anh đã quyết định nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, anh đã làm một việc mà chỉ người quân nhân cách mạng mới làm được đó là nhường sự sống cho đồng đội, để rồi đi vào cõi vĩnh hằng.
Năm 1998, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8, Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các chiến sỹ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng. Nhưng sức người thì có hạn, Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ bị hất tung xuống biển; mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 cán bộ, chiến sỹ là Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh.
Khi Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị đổ Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền”. Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... đạp lên sóng dữ và dũng cảm hy sinh thân mình trong khi tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn mà không một chút so đo, suy tính. Riêng đồng chí Nguyễn Văn An ra đi, để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ mới chào đời chưa kịp nhìn mặt bố.
Quân chủng Hải Quân cho biết đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh bất lợi, đến nay còn nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại với biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố. Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước đại dương.
Ba chiến sỹ nằm lại ở đầu đảo Trường Sa Đông |
Trường Sa và Nhà giàn hôm nay đã vững chắc hơn, cao hơn, rộng hơn và có thêm những công trình mới phục vụ đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa, được phủ sóng truyền hình, phủ sóng điện thoại và ngày càng gần với đất liền hơn. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng Hải quân, của các cấp, các ngành, của quân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Cán bộ chiến sỹ Trường Sa hôm nay vẫn âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên biển, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới - thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Lan Phương
Link to full article
No comments:
Post a Comment