Friday, August 31, 2012

Hội những bạn trẻ thích “ê mông”

Gần 8.000 thành viên tham gia trên diễn đàn trực tuyến, với gần 200 thành viên tích cực, thường xuyên tổ chức các chuyến đi dài hàng trăm km bằng xe đạp. Đó chính là Ê mông.

Chinh phục bằng “ngựa chiến” 

Ê mông (eMông) thực sự là một cái tên đã quá quen thuộc với các bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá, đặc biệt là những ai thích “phượt” bằng ngựa sắt. Dù có khó khăn như thế nào, thì cũng có quá nhiều lý do để eMông trung thành với chiếc xe đạp trong những chuyến đi trong suốt 4 năm qua.

Với xe đạp, không quá chậm để có thể đến được đích, không quá nhanh để có thể cảm nhận được những nét đẹp trên suốt chặng đường đi. Mệt thì có thể dắt xe thong dong trên đường, nhẹ nhàng và không cồng kềnh như các phương tiện khác. Xe đạp cũng có thể theo họ tiến vào bất cứ cung đường nào, dù là chật hẹp hay lầy lội nhất.

Thêm vào đó, đi xe đạp chính là một cách tăng cường, luyện tập cho sức khỏe bản thân. Là cách bảo vệ và tuyên truyền bảo vệ môi trường hiệu quả nhất. Chuyện xả rác trên đường đi với các thành viên eMông không bao giờ xảy ra. Sau mỗi giờ phút nghỉ ngơi, họ luôn thu gom lại vật dụng, kể cả rác thải vào các túi nilon và mang theo trên đường.

Hạnh phúc của chuyến đi là ở quãng đường chứ không phải đích đến

Du lịch bằng xe đạp, thậm chí là cả những chuyến đi xa hàng ngàn km, vượt qua suối, đèo hiểm trở. Chỉ cần nghe như vậy thôi đã đủ thấy chuyến đi sẽ vất vả như thế nào rồi. Vậy mà thành viên eMông cứ ngày một tăng lên theo cấp số cộng, đặc biệt hơn nữa, eMông không thiếu các bạn nữ, thậm chí, rất nhiều nữ nhi eMông còn là người khởi xướng những chuyến đi đầy táo bạo này.

Nếu như bạn cứ băn khoăn, đi đường xa bằng xe đạp sẽ vất vả lắm, sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ lắm, sẽ cần sức khỏe tốt lắm, phải luyện tập nhiều lắm… để rồi bỏ qua chuyến đi mà bạn chưa từng tham gia, như vậy là bạn đã thua chính bản thân mình rồi.

Thành viên eMông không thế, họ coi xe đạp là phương tiện chứ không phải mục đích. Họ thích khám phá bằng xe đạp chứ không để chuyện đạp xe sẽ khó khăn như thế nào quẩn quanh trong ý nghĩ. Cứ xách balô lên vai, leo lên chiếc xe đạp và đi thôi.

Mệt thì sẽ nghỉ, có thể ngã nhưng rồi lại đứng dậy, khi nào đói tất cả dừng lại ăn, khi nào màn đêm buông xuống thì cùng nhau dừng chân. Hành trình trên đường không thiếu những nụ cười và cái nhìn khám phá mới, cứ như thế cho đến khi đích trước mặt hiện ra. Và họ biết được rằng mình đã chinh phục được con đường này, chinh phục được nỗi sợ hãi ban đầu sẽ chẳng thể làm nổi. Chỉ là du lịch thôi, nhưng trên chiếc yên xe ấy, với họ là cả một triết lý sống.

“Chúng tôi đã chinh phục thành công Tây Côn Lĩnh với bánh mỳ trong balo và nước suối trên đường đi. Không một tấm bản đồ hay một người dẫn đường nào, chúng tôi vượt qua gần như tất cả những khó khăn: leo dốc sỏi đá, rẽ cây rừng lấy lối đi trong đêm mù mịt mưa gió. Bao lần vấp ngã, bao lần cả người lẫn xe trong đám bùn lầy, tay chân mặt mũi trầy xước bởi đủ thứ... Không phủ nhận đã có thật nhiều lúc mỗi cá nhân chùn bước, nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã vượt qua.

Sẽ không ai trong chúng tôi quên được cảm giác tuyệt vời, cảm giác khi sáng mở cửa lều nhìn ra ngoài thấy bên kia biển mây là mặt trời le lói leo lên qua đỉnh Tây Côn Lĩnh.” Anh Long – admin của emong.org và cũng là thành viên của CLB eMông nhớ lại những ngày tháng chinh phục Tây Côn Lĩnh trên chiếc xe đạp.

Teen mê mẩn phượt bằng... "xế điếc"

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Hằng (Kienthuc)

Link to full article

Du lịch Lạng Sơn

Ngoài những địa danh trong câu thơ: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, bạn không nên bỏ qua những cửa khẩu nổi tiếng, chợ biên giới hay đỉnh Mẫu Sơn.

< Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.

Truy nguyên từng địa danh trong hai câu thơ trên thì Đồng Đăng là tên của một thị trấn giáp biên giới giữa nước ta và Trung Quốc, nằm trên quốc lộ 1A. Đến Đồng Đăng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ga cùng tên, ngắm tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang Trung Quốc và từ đó đi các nước khác. Ngoài ra, đến đây, bạn còn sống lại những giây phút hào hùng của chiến trường, nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979.

< Chùa Tam Thanh.

Phố (chợ) Kỳ Lừa nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn là một trung tâm mua bán sầm uất, đồng thời cũng là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc ít người trong khu vực và các tỉnh lân cận. Tô Thị, ngọn núi có hình dáng như bà mẹ bồng con lại gắn liền với mối duyên tình oan nghiệt của hai anh em ruột, và lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.

Chùa Tam Thanh, ngôi chùa nằm trong động núi đá thu hút du khách với vẻ đẹp của một bức tranh thiên nhiên hài hòa, tượng phật A Di Đà tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ XV, hồ Âm Ti trong xanh quanh năm với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa.

<Ải Chi Lăng.

Ngoài 4 địa danh trên, Lạng Sơn cũng mê hoặc bạn với một ải Chi Lăng hoành tráng, đồ sộ và hiểm trở của những dãy núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế bí hiểm, nơi gắn liền với các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề....; một Mẫu Sơn không thua kém Sapa về vẻ đẹp, về cuộc sống muôn màu của người dân nơi đây; một bến đá Kỳ Cùng, nơi có động chùa Tiên với rất nhiều thạch nhũ nhiều hình dáng, giếng Tiên với mạch nước ngầm trong suốt, thanh mát quanh năm.

< Động Tam Thanh tuyệt đẹp và bí ẩn.

Ở đây còn có khu danh thắng Hang Gió, hang động có chiều dài hàng trăm mét, rộng từ 50 - 70m, nơi được đánh giá như thiên đình ở hạ giới; động Nhị Thanh với  đẹp  kỳ vĩ và chùa Tam Giáo uy nghiêm, cùng hàng loạt những di tích lịch sử nổi tiếng như Thành Nhà Mạc, di tích Đoàn Thành Lạng Sơn, chùa Thành, đền cửa Đông, đền cửa Tây, đền Tả Phủ.

Bạn cũng không nên bỏ qua cơ hội tham quan 4 cửa khẩu là Chi Ma (Huyện Lộc Bình), Bình Nghi (Huyện Tràng Định), Tân Thanh (Huyện Văn Lãng), Cốc Nam (Huyện Cao Lộc) hay 7 cặp chợ biên giới với Trung Quốc.

Di chuyển

Phần di chuyển bắt đầu từ Hà Nội, các bạn ở miền Trung hay miền Nam chịu khó xem đây là điểm trung chuyển. Riêng những bạn ở miền Bắc, chịu khó tham khảo thông tin về lịch trình đến Lạng Sơn ở bến xe mỗi tỉnh.

Bằng phương tiện công cộng:

Tại Hà Nội có hai phương tiện để đến Lạng Sơn là xe đò (mua vé tại bến xe Mỹ Đình, tại hãng xa Hoàng Long) hay tàu lửa. Theo kinh nghiệm của dân du lịch bụi và các thổ địa thì đi tàu lửa sẽ nhìn thấy nhiều cảnh đẹp hơn.

< Chùa Tam Thanh, núi nàng Tô Thị, hai trong bốn danh thắng đi vào lòng người của Lạng Sơn.

Lưu ý bạn nên tham khảo giá vé, thời gian xuất phát của cả hai đầu, những địa danh có thể đi qua để tiết kiệm thời gian di chuyển.

Bằng phương tiện cá nhân:

Thành phố Lạng Sơn cách Hà Nội 154km, cung đường hoàn toàn thích hợp cho một chuyến dạo chơi cuối tuần.

< Vẻ thơ mộng của đường lên Mẫu Sơn vào một sáng mùa hè.

Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Chấp hành tốt luật an toàn giao thông đường bộ. Mang bao tay, khẩu trang, kính để đảm bảo an toàn khi đi đường. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.

Đến vào mùa nào?

Bạn có thể đến Lạng Sơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng nếu thích ngắm tuyết hay cảm nhận cái lạnh nên đến vào mùa đông (Mẫu Sơn).

Lưu trú

Khu vực trung tâm Lạng Sơn gồm hai đường là đường 1 và đường 4A. Bạn nên lên lịch trình tham quan cụ thể để dễ chọn địa điểm lưu trú.

< Cũng cung đường đó, vào mùa đông lại lung linh và huyền ảo.

Một số cái tên bạn có thể bỏ túi trước khi đến đây là khách sạn Bắc Sơn, Kim Sơn, Đông Sơn… Lưu ý đặt phòng trước khi đến.

Đặc sản Lạng Sơn

Lạng Sơn có các đặc sản sau: măng muối ớt móc mật, thịt (heo, vịt) quay mắc mật, phở chua, bánh cuốn trứng, bánh Cao Sằng, bánh bí đỏ, bánh lạc, na (mãng cầu) Đồng Bành, táo mèo.

Mang gì khi đến Lạng Sơn?

Bất kỳ trang phục nào bạn thích song nên mang giày, dép trệt để tiện di chuyển.

< Vịt và heo quay quả mắc mật, hai trong những món đặc sản bạn không nên bỏ qua khi đến Lạng Sơn.

- Mang đồ chống nắng và dụng cụ đi mưa tùy theo mùa.
- Mang hộ chiếu nếu muốn tham quan hay qua cửa khẩu.
- Mang kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các bệnh cơ bản.

Các cung đường thường gặp

- Sài Gòn/Hà Nội – Lạng Sơn Bắc Kạn
- Sài Gòn/Hà Nội – Lạng Sơn Quảng Ninh
- Sài Gòn/Hà Nội – Lạng Sơn Bắc Giang
- Sài Gòn/Hà Nội – Lạng Sơn Thái Nguyên

Du lịch, GO! - Theo Infonet

Link to full article

Bảo tháp đá đầu tiên ở Nam Bộ

Khánh thành gần 10 năm trước, tháp đá Vĩnh Nghiêm nằm trong khuôn viên tổ đình Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), là ngôi tháp xây bằng đá đầu tiên ở khu vực Nam bộ.

Tổ đình Vĩnh Nghiêm có nguồn gốc từ chùa Vĩnh Nghiêm ở thôn Đức La, Bắc Giang - Trung tâm thiền học Phật giáo đời Trần. Do vậy, kiến trúc đời Trần là nét chủ đạo trong điêu khắc tháp đá tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Ngôi bảo tháp đá được đặt tên “Vĩnh Nghiêm tháp”, là tháp thờ cố đại lão hòa thượng Thích Thanh Kiểm, một trong hai vị cao tăng đã xây dựng nên tổ đình Vĩnh Nghiêm (hòa thượng nguyên trưởng Ban kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm).

Ngôi tháp bảy tầng (theo ý nghĩa “thất cấp phù đồ”) cao 14m có tiết diện như hầu hết các tháp được xây dựng nghìn năm nay trên đất nước ta: hình vuông, mỗi cạnh 5x5m; nằm giữa dãy lan can cũng bằng đá vuông vức mỗi chiều 9,5m; đặt trên một bệ tháp bát giác (“bát chính đạo”).

Năm bậc cấp từ hai cột chính bằng đá bước lên tòa tháp tượng trưng cho “ngũ căn, ngũ lực” của nhà Phật. Trên thân tháp có một cặp rồng lớn, 27 cặp rồng nhỏ và những cánh phượng uốn mình rất hoành tráng.

Trên từng tầng tháp là hàng ngàn những cánh sen, hoa sen, thủy ba (sóng nước), lá đề, dơi, câu đối, câu chú...
Ngoài chữ thọ theo lối chữ “triện” ở tầng tháp đầu tiên theo phong cách đời Lý, còn lại là những họa tiết, điêu khắc điển hình đời nhà Trần.

Đôi rồng đời Trần hai bên trụ cổng thật vạm vỡ, cơ gân cuồn cuộn, vảy đều tăm tắp, cặp sừng cong, bờm cuộn sóng, cổ vươn cao ngạo nghễ hào khí Đông Á.

Tháp tọa lạc ở một vị trí khá hài hòa trong tổng thể nhiều khối kiến trúc đồ sộ của tổ đình Vĩnh Nghiêm: cạnh lầu chuông bên trái chùa, cân xứng với ngôi tháp Quán Thế Âm bên phải chùa vốn cũng rất đẹp, có từ khi xây dựng tổ đình (1964).

Toàn ngôi tháp như một ngọn bút dựng đứng giữa trời, hoành tráng, phủ kín hoa văn chạm trổ mà vẫn nhẹ nhàng.

Du lịch, GO! - Theo Lâm Anh (Tienphong)

Link to full article

Phát hiện thêm một hang động tuyệt đẹp ở Ninh Bình?

Theo lời kể của người dân xã Lạc Vân (huyện Nho Quan - Ninh Bình), động Nham Hao mới được phát hiện có chiều dài khoảng 3 km nằm dưới lòng núi. Bên trong có một ngôi chùa cổ và 5 tấm bia được khắc trên vách đá bằng loại hán tự chưa rõ niên đại.

Truyền thuyết ngôi đền cổ

Khi có thông tin tại huyện Nho Quan người dân vừa phát hiện được một hang động thuộc loại đẹp nhất miền Bắc, có thể được ví với Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi đã quyết định về đây để xem thực hư thế nào. Lạ nước, lạ cái chúng tôi đành ghé qua UBND xã để nhờ người dẫn đường. Thật trùng hợp khi đề cập chuyện muốn tìm hiểu về vấn đề trên, anh Quách Văn Thái công an viên xã Lạc Vân đã đồng ý dẫn đường cho chúng tôi.

Theo anh Thái, hang động mà chúng tôi muốn tìm hiểu có tên là động Nham Hao. Đường vào thạch động quanh co phức tạp theo những dải núi đá vôi cheo leo và vách núi dựng đứng. Nếu không phải người địa phương chắc chắn không thể vào động được. Anh Thái còn cho biết muốn vào được bên trong cần phải qua cửa hang chính bằng thuyền bơi trên hồ rộng khoảng 1 sào rồi cứ theo hướng nước bơi thuyền vào động. Vì là người thông thạo địa hình nên chẳng mấy chốc anh Thái đã đưa chúng tôi vào bên trong hang động.

Những người đi trong đoàn không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng tráng lệ nơi đây. Phía trong động là những nhũ đá có hình thù kỳ dị, voi chầu, hổ phục, ao cá đồng lúa, nương dâu, rồng cuộn nước, rồng vàng ấp tổ trong hang, tượng Phật Tổ Như Lai, có chỗ lô nhô như ngàn lớp sóng, vân nhũ đá như những đám mây ngũ sắc….

Ở phía dưới còn có một vị trí nước sâu và trong vắt người ta gọi là ao cá không đáy tạo nên một bức tranh thủy mặc vô cùng hùng vĩ.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” (trang 242) có ghi về động Nham Hao như sau: “Núi Tam Động ở cách huyện Yên Hóa 8 dặm về phía Nam gần sát bờ sông, có ba động đá: Một là động Nham Hao (nay gọi là động Ngọc Cao) ở địa phận xã Phục Cổ (nay là xã Lạc Vân) rộng chừng 9 trượng. Dưới động có nước khe chảy thông đến ao cá ở đằng sau động, ao rộng một sào, có nước trong, bên cạnh có đền thờ Tam Phủ, trên đỉnh có một pho tượng đá, người địa phương gọi là Phật Cao Sơn.

Hai là động Phục Cổ và Hiền Quan, chỗ đi vào mở thành hai cửa, giữa rộng 8 trượng, có đá sỏi tròn trĩnh nhỏ bé như hình viên thuốc, người địa phương dùng để chữa bệnh, cũng có công hiệu; lại có một đường nước khe, chảy quanh co từ động Nham Hao suốt đến động Bạch.

Ba là động Bạch ở địa phận xã Hiền Quan. Động rộng hơn 10 trượng, đường đi từ động Quang vào, hai bên chập chồng lớp đá, phân nhiều thành hình muông thú, đằng sau có thạch nhủ rũ xuống sâm si; một dải nước khe quanh co từ động Nham Hao chẩy đến sắc nước trong suốt”.

Tương truyền năm Tự Đức thứ 2 (1849) có viên quan tri huyện Yên Hóa tên là Phạm Văn Thể đã đến đây du sơn ngoạn thủy. Trong lúc tuần du ông nhìn thấy có một dáng Tiên cùng với đám mây ngũ sắc thoát ra từ cửa động Nham Hao (tức động Ngọc Cao).

Biết nơi đây có thần linh chế ngự, khi lại gần cửa động ông thấy trên các nhũ đá có nhiều hình hài giống như hình gót chân tiên, đoán đây là một vùng đất linh thiêng nên viên tri huyện đã tự cắt bớt bổng lộc của mình giao cho sở thuộc, khởi công sửa chữa bên trong hai động đặt nơi thờ cúng, xây dựng tòa sen, đắp tượng Phật, làm nơi thờ Thần Thánh gọi là chùa trong, chùa ngoài.

Theo ông Vũ Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã, lúc đang còn là học sinh, nghe truyền lại từ những người già trong làng thì khoảng trước năm 1978 có hai nhà sư tên là Thích Đàm Liên và một người nữa chưa rõ danh tính đã từng sống và tu tại đây.

Sau này khi nơi đây thường xuyên xảy ra lụt lội nên hai vị sư đã chuyển về một ngôi chùa ở TP Ninh Bình và viên tịch ở đó. Chùa Tam Phủ đã không còn do mưa nắng, lụt lội phá hủy.

Thực hư kho báu ngàn năm

Tài liệu viết về động Nham Hao quá ít ỏi. Phần lớn những câu chuyện được chắp nối từ lời kể của những bậc cao niên. Theo đó, tại đây, phía trên nửa lưng chừng dãy núi còn có một thạch động nữa mà trước kia là nơi giặc phương Bắc cất giấu kho báu.

Theo lời kể khoảng năm 1960 có một đoàn người lần theo bản đồ cổ tìm đến đây hỏi thăm rồi bỏ đi. Sau đó ít hôm người ta phát hiện có dấu vết dùng thang tre leo lên cửa động và chỉ thấy vết đi vào mà không có dấu trở ra.

Có người phỏng đoán có thể động này được thông ra ngoài cùng với một động phía sau núi mà không ai biết. Cũng có người cho rằng do tham lam nhóm người này đã lấy trộm kho báu của thánh thần nên đã bị trừng phạt không có đường trở ra.

Về câu chuyện đượm màu thần bí này, ông Vũ Văn Vượng cho biết: “Động Nham Hao là thạch động mới được người dân phát hiện cách đây không lâu. Động sâu đến 3km trong lòng núi và có nước do đó hàng trăm năm qua ít ai biết đến sự bí ẩn của nó. Hiện nay lãnh đạo xã đang tìm lại một số nguồn tài liệu có ghi chép những sự tích và một số câu chuyện còn truyền trong dân gian”.

Tuy nhiên, theo ông Vượng câu chuyện bí mật về kho chỉ là sự đồn thổi và phỏng đoán của người dân chứ không có căn cứ.
Trên vách đá dựng đứng cách cửa hang chính khoảng 15m có một cửa động nữa. Chỉ có điều chưa ai leo lên được hang đó để xác minh thực hư.

Du lịch, GO! - Theo VTC

Link to full article

Kỳ thú núi Phú Thọ

Núi Phú Thọ (còn có tên núi Đá, núi Thạch Sơn) tọa lạc tại xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, cao chừng 60m so với mực nước biển.
Nằm cạnh cửa biển Đại Cổ Lũy, núi Phú Thọ như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi.

< Núi Phú Thọ.

Sở dĩ gọi là núi Đá vì trên núi có nhiều khối đá granit xám có kích cỡ và hình dạng khác nhau. “Nhất bộ dị trạng” (mỗi bước một đổi thay hình dạng) là cách nói diễn tả vẻ đẹp độc đáo của núi đá Phú Thọ ở mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc thời gian. Đây là cấm Bầm Buông, với những khối đá chồng hoặc xếp dọc bên nhau như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa để thành đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào phát ra chuỗi âm thanh trầm bổng diệu kỳ. Còn kia là gò Đá Trận, lô nhô đá nhỏ, đá to bên sườn đồi, ẩn hiện bóng cây, bóng lá.

< Đá Hòn Chồng.

Kỳ thú là chùa Hang thiên tạo với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên. Rêu phong phủ đầy vách đá tạo nên vẻ u tịch hoang sơ. Giữa ngày hè nóng bức, hang đá mát rượi. Rễ cây đa cổ thụ lách qua kẽ đá dẫn từng giọt nước trong veo rơi tí tách xuống lòng hang. Tương truyền, ngày trước ở hang đá này, cứ đến rằm tháng 7 âm lịch có một con hổ to, lông đủ màu sắc, lặng lẽ xuất hiện trước sân chùa, chẳng mảy may làm kinh động đến người và muông thú, dân làng mến mộ gọi là “ông hổ đi tu”. Sách Quảng Ngãi nhất thống chí của tiến sỹ nho học Lê Ngãi viết về ngọn núi này như sau:

‘‘Núi Phú Thọ, ở phía Đông, cách huyện trị (Tư Nghĩa) 11 dặm, Đông giáp cửa bể Cổ Lũy, Tây liền với núi Bàn Cờ, Nam giáp Vũng Tàu, Bắc giáp sông Trà. Núi có những đá to mọc vút lên và nhọn trông như ngón tay trở lên. Đời Tự Đức đặt pháo đài ở đỉnh núi này để phòng giặc bể. Thiệt là một tòa núi đứng trấn cửa bể to.” (Quảng Ngãi nhất thống chí – bản Quốc ngữ, chép tay).

Đứng trên đỉnh núi Phú Thọ, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng thiên nhiên rộng lớn. Vào những buổi bình minh, khi mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên trên mặt biển bao la cũng là lúc những con thuyền nan cửa Đại sau một đêm ngủ mơ trong giấc sóng bỗng khe khẽ cựa mình, chầm chậm nối nhau ra biển đón đoàn thuyền đánh cá trở về trong dìu dịu sương mai. Xa xa, hơi chếch về phía Bắc là mũi Ba Làng An. Xa hơn nữa, ghé về Đông, nhấp nhô trên sóng là cù lao Ré. Sông Trà Khúc bên kia, sông Vệ bên này ùa nước vào nhau để thênh thang cửa Đại.

Theo hồ sơ của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, phế tích thành Bàn Cờ trên núi Phú Thọ có hình thang cân, cạnh trên 52m, đáy 60m, cao 25m, diện tích mặt thành khoảng 500m2. Bờ thành Bàn Cờ vốn được xây bằng gạch. Trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ. Thành Bàn Cờ hợp với thành Hòn Yàng và lũy Cổ Lũy thành hệ thống phòng thành, bảo vệ thành Châu Sa (phía tả ngạn sông Trà Khúc), nên thường được các nhà chuyên môn gọi chung là hệ thống phòng thành Cổ Lũy.

< Phế tích Thạch Sơn tự trên đỉnh núi.

Cũng tại khu vực Cổ Lũy – Phú Thọ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích thời tiền Champa, có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ VII. Năm 2004, một cuộc khai quật đã được tiến hành. Trong hố khai quật hiện rõ các chân móng cột nhà lớn, có gia hạ bằng gạch vỡ và đá cuội. Hiện vật tìm thấy gồm các vật liệu kiến trúc (ngói lòng máng, gạch, chóp nóc...) và đồ gia dụng (nồi, hũ kendi, chân đèn, bát...). Các nhà nghiên cứu cho rằng, vật liệu kiến trúc ở đây (ngói lòng máng, đầu ngói ống trang trí mặt hề, chóp búp sen...) khá giống với các vật liệu tương tự ở Trà Kiệu, Thành Hồ...

Núi Phú Thọ, thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng còn gắn với nhiều giai thoại kỳ thú. Chuyện rằng, vào những đêm trăng thanh vắng, các nàng tiên trên thượng giới thường bay xuống thành Bàn Cờ mà ngắm cảnh, đùa trăng. Còn ở thành Hòn Yàng thi thoảng lại thấy “vàng Hời” chấp chới trong đêm như thể ma trơi.

< Cổ Lũy cô thôn.

Năm 1903, sau chuyến đi chầu hầu sang Pháp, Nguyễn Thân (1853 – 1914) xin về trí sĩ, bỏ quê cũ ở Thạch Trụ (Mộ Đức), chiếm cứ cả núi Phú Thọ và nhiều đất đai quanh vùng, xây dựng dinh cơ, đình tạ, đưa cả gia đình đến đây sinh sống, thỏa lòng dạ ham muốn công danh của một kẻ bán nước cầu vinh. Nhưng sự thể của gần 40 năm sau thì khác. Cuộc vùng dậy dữ dội và quyết liệt tháng 8 năm 1945 đã quật nhào bộ máy thống trị thực dân - phong kiến ở Quảng Ngãi và khắp cả nước. Trong cơn phẫn uất, người dân quanh vùng đã đập phá toàn bộ dinh cơ của Nguyễn Thân trên núi Phú Thọ.

Năm tháng đi qua, mặc cho những đổi thay nhân thế, núi Phú Thọ vẫn sừng sững trấn giữ một vùng hải khẩu; thôn Cổ Lũy vẫn còn đó dáng vẻ tịch mịch, u trầm của một làng quê trước biển sau sông đã đi vào tâm khảm bao thế hệ người Quảng Ngãi.

Núi Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 43- QĐ/VH ngày 7/1/1993.

Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Du Lịch), internet

Link to full article

Thursday, August 30, 2012

Ẩm thực Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long

Mắm là món ăn hết sức đặc trưng của người Khmer. Đó chính là kết quả tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, lấy những nguyên liệu từ tự nhiên để chế biến thành một món ăn theo cách riêng.

< Mắm pro-hốc (bồ hóc).

Đối với bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, mắm không chỉ là một món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến một số món ăn.

Mắm pro-hốc là món ăn điển hình. Mắm pro-hốc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặt, cá chốt, cá lòng tong... hoặc những loại cá lớn, như: cá trê, cá lóc...

Người ta lựa những con cá lóc còn tươi đem đánh vẩy, mổ bụng ra rồi rửa cho sạch nhớt đem ngâm nước lạnh một đêm, vớt ra đem phơi nắng cho ráo nước. Sau đó người ta ướp muối, trộn với cơm nguội, đem cho vào hũ, hoặc khạp, rải muối hột vào rồi gài cứng, đậy nắp lại, để khoảng từ bốn tháng đến sáu tháng là ăn được. Có thể để nguyên con đem kho, hoặc ăn sống; hoặc cho vào ít lá chanh, lá gừng xắt nhỏ, ớt, đường, và chanh chưng.

Còn có loại mắm chua gọi là pò-ót, được làm từ tép mòng - một loại tép rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi ăn, người ta trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non. Pò-ót làm khoảng 10 ngày là ăn được.

Mắm pro-hốc có hai loại: mắm cá nhỏ gọi là pro hoc trey changvar, gồm tất cả các loại cá trắng, đen, như các loài: sặt, trèn, chốt, lòng tong, cá chạch đất,...; mắm cá lớn gọi là pro hoc trey thom gồm các loại cá lóc, cá bông, đặc biệt là cá trê vàng.

Để làm mắm pro-hốc đầu tiên là làm sạch cá: đánh vảy, chặt kỳ, mổ bụng bỏ sạch ruột. Để cá chảy hết máu rồi rửa nhiều lần, chừng nào thấy nước trong mới thôi. Nếu cá làm không sạch, còn máu hoặc nhớt, vảy dơ cá sẽ thối, đắng ăn không được.

Cá làm sạch cho vào cái vịm nước (vật dụng làm bằng sành, sứ - như cái thau) ngâm nước một đêm, sau đó vớt ra rổ để ráo nước và đem phơi nắng một ngày. Muối hột rửa cho trắng (bỏ tạp chất làm cho muối có màu đen, sẫm), cho vào cối giã nhuyễn rồi trộn với cá. Lượng muối nhiều hay ít là do kinh nghiệm của người làm. Chất lượng mắm cũng từ đó mà xác định. Bỏ ít muối (lạt muối) thì cá sẽ sình, hoặc ngược lại bỏ nhiều muối mắm quá mặn.

Trộn muối với cá xong, bỏ cá vào cối quết nhẹ bằng chày cây. Khi quết cho thêm cơm nguội vào tán nhừ, ước chừng một tô mắm thì hai muỗng cơm. Quết xong, múc cá ra rổ để cho nước rỏ xuống. Phía trên mắm lót ít lá chuối tươi, lấy gạch đá dằn lên khoảng một ngày đêm cho nước trong mình cá chảy ra hết. Ngày sau, người ta xếp mắm vô hũ hoặc tỉn đã rửa sạch để khô, nhận ém thật cứng, phía trên gài bằng mo nang dừa, trên cùng gài mắm bằng các dọc dừa già chẻ vừa mặt dụng cụ nhận mắm. Trên đổ nước muối. Quan trọng là phải ém mắm cho kỹ không để nước muối lọt xuống thấm vào mắm. Khoảng từ 4 đến 6 tháng trở lên giở mắm ra là ăn được. Mắm pro-hốc để càng lâu, càng ngon.

Mắm pro-hốc được người Khmer dùng nêm cho gần hết các món ăn. Hoặc ăn riêng thì chưng, kho, chiên,... Một nồi xiêm lo, một nồi nước lèo thì đồ nêm tất nhiên không thể thiếu mắm pro-hốc!

Xiêm lo cũng là một món canh tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer khác với tất cả các loại canh của người Việt hay người Hoa. Nấu món canh này người ta dùng thịt, cá tươi và rau ngổ, chuối rém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm pro-hốc. Canh xiêm lo còn được nấu với nhiều loại rau như: lá bồ ngót, lá bình bát dây, bông điên điển, đọt bí, đọt bầu, cùng với măng, mướp, khoai môn, khoai lang, bầu, bí đao, rồi rau đắng... Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo của bà con Khmer.

Bà con Khmer còn có một số món canh độc đáo khác, như: canh chua nấu với trái chuối xiêm xanh. Người ta tước bỏ vỏ chuối xiêm xanh, xắt hơi dày, nấu với cá và thịt gà, thêm cơm mẻ và các loại rau om, tần dày lá, ngò gai, sả và mắm pro-hốc. Canh chua nấu bằng bắp chuối thái mỏng với cá khô và lá me non...

“Người nội trợ Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhớ rất nhiều món canh quen thuộc của dân tộc mình, đặc sắc nhất là các món canh xiêm lo ko-kô tức canh thập cẩm, được nấu với nhiều loại rau rừng và rau đồng như rau cỏ chai, cải trời, rau đắng, rau ngổ, rau chóc, rau chay, rau bợ, rau chuối, khổ qua, đu đủ non... cùng các loại tôm, thịt, cá và các thứ gia vị như sả, ớt, thính, củ gừng, củ riềng, bột cà ri, dừa khô, mắm pro-hốc... Hoặc như món xiêm lo prohơ cũng là một loại canh nấu với thịt hoặc cá với gia vị là mắm pro-hốc, sả, ớt, ăn với gỏi đu đủ, dưa leo chấm với nước chua là cơm mẻ (một loại vi khuẩn trong cơm nguội để lên men) v.v...”.

Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích - đã trở thành một đặc sản chung của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều du khách phương xa thưởng thức và nhớ mãi. Để nấu món này, người ta dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... và hai món nêm không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm pro-hốc. Nước cốt sau khi nêm và nấu kỹ đã trở thành một thứ nước lèo rất tuyệt hảo.

< Đường thốt nốt.

Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer cũng có nhiều món bánh. Bánh ngọt có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer. Tiêu biểu các loại bánh: bánh củ gừng, bánh tai yến... nhưng đặc sắc hơn cả có thể nói là bánh thốt nốt. Đó là, nguyên liệu được làm từ trái thốt nốt, mà trái thốt nốt chỉ có nhiều ở những khu vực đông đảo người Khmer sinh sống.

Người ta bẻ trái thốt nốt xuống, sau đó đem chà vào rổ để lấy bột, rồi đem bột này trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo, sau đó lấy lá thốt nốt gói lại, rồi sau đó đem hấp. Bánh có màu vàng ươm, có mùi thơm hết sức đặc biệt vị ngọt tinh khiết, vị béo của dừa rất ngon. “Người Khmer từng tự hào về các loại bánh ngọt cổ truyền của dân tộc mình vì nó chiếm một số lượng khá phong phú, lại vô cùng độc đáo. Bánh ngọt giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống của người Khmer vì nó không thể vắng mặt trong tất cả các dịp lễ, Tết, cúng bái theo phong tục.”2 Bánh ngọt của người Khmer gồm một số loại tiêu biểu sau:

* Num còn khuyên

Người Việt gọi Num còn khuyên là bánh rế. Bánh làm bằng đậu xanh, đậu nành và nếp. Mỗi thứ lấy trọng lượng bằng nhau, vo sạch, để ráo rồi đem rang riêng. Rang để lửa nhỏ, đến khi vừa vàng thì đổ ra, sau đó trộn cả ba thứ vào chung, vọt nát như xây thín.

Nước đường thốt nốt thắng đến rít lại, bỏ bột đã vọt nhuyễn vào quậy đều như nhân bánh ít, đem ra nắn hình tròn như cá mâm có chân, gọi là bánh rế.
Lấy bột gạo, ít nhiều tùy theo kinh nghiệm của người làm bánh, trộn trong thau, cho bột nghệ xay vào để tạo màu vàng, đổ nước vào quậy sền sệt, đem từng cái bánh rế nhúng vào rồi chiên với mỡ. Bánh vàng, vớt ra để ráo, ăn giòn ngon.

* Num Crọp Khnô

Num Crọp Khnô nghĩa là bánh hột mít. Bánh làm đậu xanh nấu mềm, đãi bỏ vỏ, giã nhuyễn trộn với đường thốt nốt như nhân bánh ít. Sau đó, dùng tay vắt viên tròn như hột mít, lăn vào tròng đỏ trứng vịt, gà. Sau đó, đem chiên giòn. Ăn khi ráo mỡ.

* Num chô

Bánh làm bằng gạo trắng vọt sạch, để ráo rồi cho vào cối vọt nhừ nát, khi vọt dùng sàng rây nhiều lần để giã lại cho thật nhuyễn, bột càng nhuyễn, bánh càng nổi to. Nước đường thốt nốt thắng đến rít lại, bỏ bột gạo vào quậy đều như nhân bánh ít, đem ra nắn từng cái hình tròn hay vuông, dẹp lớn nhỏ tùy ý. Sau đó, bỏ vào chảo mỡ chiên. Bánh sẽ nổi lớn như bánh tiêu của người Tiều (Triều Châu). Bí quyết độc đáo của loại bánh này nằm ở lượng đường ngào, nếu không ngọt thì bánh sẽ tan trong chảo chiên, ngược lại ngọt quá, bánh sẽ chai, không nổi, ăn không ngon.

* Num Khnhây

Num Khnhây là bánh gừng. Nếp trắng vo sạch, để ráo đem quết thành bột, khi quết dùng sàng rây nhiều lần để giã cho thật nhuyễn, bột càng nhuyễn, bánh càng nổi lớn. Bột giã xong, đem phơi cho thật khô. Sau đó, lấy lòng trắng trứng vịt đánh nổi, cho bột vào quậy đến sền sệt, sau đó nắn thành hình củ gừng (có người nắn hình cá, hình chim, cua, tôm,...). Bánh gừng chiên bằng mỡ. Bánh nổi lớn, sau đó ngào với nước đường thốt nốt thắng sền sệt. Bí quyết của cách làm bánh này là khi cho bột vào lòng trắng trứng vịt sau cho vừa phải liều lượng thì bánh mới nổi đều. Khi chiên phải lẹ tay lật bánh qua lại.
Bánh gừng thường không thể thiếu trong đám cưới của người Khmer.

* Num Niềng Nóc

Num Niềng Nóc nghĩa là bánh của Nàng Nóc, theo các bậc trưởng thượng thì Nóc là tên người đầu tiên làm thứ bánh này. Người Khmer sau đó lấy tên người đặt cho tên bánh như để ghi công cho nàng. Gạo đem vo sạch, ngâm trong nước độ một đêm, sau đó quết thành bột, đổ nước sền sệt, lấy màu vàng của nghệ, màu đỏ của gấc pha vào cho đẹp mắt.
Nhân làm bằng đậu xanh quết nhuyễn trộn với đường thốt nốt, nước cốt dừa.

Bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào. Đợi mỡ gần sôi thì lấy bột nhúng vào kéo lên, kéo xuống, tréo qua, vắt lại cho đến khi bột giòn thì nắn thành hình hộp như hộp thuốc lá, để nhân ở giữa. Chiên tiếp cho vàng, vớt ra, ăn khi ráo mỡ.

Nhìn chung, các món ăn của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét đặc điểm văn hóa trong ẩm thực của cộng đồng tộc người này. Đó là quá trình thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên mà đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ chế biến ra nhiều món ăn phong phú, mang bản sắc riêng.

Du lịch, GO! - Theo Nguoilaodong, ảnh sưu tầm

Link to full article

Thưởng thức phim âm nhạc Nhật Bản tại Hà Nội

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Nước Nhật có thể ví như một ngã tư khổng lồ, nơi mọi thể loại âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới tụ họp và tương tác.

(ICTPress) - Chúng ta đều biết câu nói “Thiếu vắng âm nhạc, cuộc sống sẽ là một sai lầm lớn”. Hãy thử tưởng tượng một thế giới nơi âm nhạc không tồn tại - và dĩ nhiên là không tồn tại ở Nhật Bản. Đó sẽ là một sai lầm lớn tới nhường nào?

Bởi lẽ, không ai chơi nhạc như người Nhật.

Nước Nhật có thể ví như một ngã tư khổng lồ, nơi mọi thể loại âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới tụ họp và tương tác. Mỗi khi một ảnh hưởng âm nhạc mới xuất hiện, người Nhật nhanh chóng tiếp thu nó, mổ xẻ, phân tích, nghiên cứu, chế biến, ‘pha chế’ thêm các nguyên liệu khác, cuối cùng tạo ra một phong cách mới mang đậm bản sắc “Nippon”, để rồi từ đó nhiều dòng nhánh nữa phát triển theo muôn vàn hướng đi khác nhau. Các ranh giới không còn tồn tại. Tiêu chí duy nhất là sự đa dạng.

Với năm buổi chiếu trong ba ngày, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và nhóm The Onion Cellar giới thiệu Chương trình phim âm nhạc Nhật Bản “OTO l EIGA” tại Hà Nội từ thứ Sáu 14/9 tới Chủ nhật 16/9/2012 cho người xem về các mảng màu khác nhau của âm nhạc đương đại Nhật Bản: từ những nhịp điệu điện tử hay những tiếng rền bất tận của đời sống đô thị, cho tới các âm thanh kỳ bí ảnh hưởng bởi thiên nhiên và các truyền thuyết cổ xưa, và rất nhiều các sắc thái khác.

Như cái tên chung cho toàn bộ chương trình (tạm dịch: Âm thanh/Phim ảnh) diễn tả, ở các bộ phim này, yếu tố hình ảnh luôn được đặt ngang hàng với âm thanh, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Chương trình này được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho khán giả và nghệ sĩ tại Việt Nam.

Dưới đây là thông tin về 5 bộ phim âm nhạc được trình chiếu tại Hà Nội:

Bộ phim Live From Tokyo đưa người xem qua khu Shinjuku, những ngã tư ở Shibuya, những con hẻm ở Koenji, và rộng khắp Tokyo. Đây là một thế giới nơi sức sáng tạo được đẩy tới những giới hạn cuối cùng, nơi những dòng nhánh âm nhạc mới thường trực ra đời.

Bộ phim khai thác về âm nhạc Tokyo như một sự phản chiếu của xã hội Nhật Bản, cũng như tương quan giữa nhạc Nhật và âm nhạc quốc tế. Là một đô thị lớn nơi mọi nền văn hóa giao thoa, nơi mạng lưới truyền thông dày đặc tới mức quá tải, Tokyo trở thành một môi trường lý tưởng để các nhà làm phim tìm hiểu về một kiểu mẫu văn hóa âm nhạc mới, ảnh hưởng từ một thế hệ của các siêu kết nối và bùng nổ thông tin. Ngành công nghiệp âm nhạc đang dần thay đổi và người nghe cũng có những cách mới để tương tác với âm nhạc. Những rào cản cũ từng ngăn cách các trào lưu âm nhạc càng ngày càng không còn giá trị, khi công nghệ tiếp tục đóng vai trò lớn giúp các nghệ sỹ kết nối với nhau.

Phim sản xuất năm 2010 / 80 phút / Phim tài liệu / Đạo diễn: Lewis Rapkin

Giờ chiếu: 20h00 - Thứ Sáu 14/9/2012

Tại: Phòng triển lãm & sân vườn của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản
27 Quang Trung, Hà Nội
 
Một số nghệ sỹ xuất hiện trong phim: Nissennenmondai, Tenniscoats, Optrum, Sexy-Synthesizer, Kirihito, D.V.D., Zoobombs, ...

Bộ phim MONO: Holy Ground (Thánh địa)

Ban nhạc danh tiếng Nhật Bản MONO kỷ niệm 10 năm ngày thành lập bằng một chương trình đặc biệt tại New York cùng dàn nhạc giao hưởng 24 thành viên Wordless. Bộ phim Holy Ground ghi lại những gì xảy ra tại buổi diễn này, từ những khúc nhạc êm ả nhất, tới những đoạn cao trào ầm ĩ mà đẹp tuyệt vốn từ lâu đã là đặc trưng của nhóm.

MONO là nhóm nhạc post-rock hòa tấu Nhật thành lập năm 1999 tại Tokyo, gồm 4 thành viên: Takaakira Goto (guitar), Yoda (guitar), Tamaki Kunishi (guitar bass) và Yasunori Takada (trống). Âm nhạc của MONO là sự kết hợp độc đáo giữa các yếu tố của nhạc rock thể nghiệm, và nhạc cổ điển của các nhạc sỹ lừng danh như Arvo Part hay Henryk Górecki.

Năm sản xuất 2010 / 90 phút /Thu hình trực tiếp/ Đạo diễn: Jeremy Johnstone

Giờ chiếu: 16h00 - Thứ Bảy 15.9.2012
Tại: Hanoi Cinemathèque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bộ phim Live Tape (Cuốn băng cuộc đời) tập trung vào sự mộc mạc và đời thường. Đó là nét đời thường được ghi lại khi Matsue theo bước nhạc sỹ-ca sỹ Kenta Maeno dạo quanh khu Kichijoji (Tokyo) trong ngày đầu tiên của năm mới 2009, từ đền Kichijoji Hachiman tới công viên Inokashira. Cuộc đi dạo cũng là một buổi diễn của Maeno, anh này vừa đi vừa gảy guitar, hát những khúc ca về cuộc sống, tình yêu, con người. Bộ phim hoàn toàn được quay trong một ‘take’, với các thiết bị quay phim tối giản và không sử dụng kịch bản – một bộ phim đúng tinh thần ‘new-wave’.

Năm sản xuất: 2009 / 74 phút / Phim tài liệu / Đạo diễn: Tetsuaki Matsue

Giờ chiếu: 20h00 – Thứ Bảy 15/9/2012
Tại: Hanoi Cinemathèque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bộ phim La Faute Des Fleurs (Lỗi tại muôn hoa)

Ta gặp gỡ Kazuki Tomokawa (nghệ sỹ nhạc dân gian cựu trào, diễn viên, họa sỹ, nhà thơ, bình luận viên đua ngựa, ‘triết gia gào thét’) trong La Faute Des Fleurs (Lỗi tại muôn hoa) - thực hiện bởi đạo diễn danh tiếng người Pháp Vincent Moon (một thành viên chủ chốt của nhóm nghệ thuật La Blogothèque). Vincent được một người hâm mộ ở Nhật mời từ Pháp sang để làm phim về Tomokawa (chính xác hơn, về quá khứ kỳ lạ và bi kịch của ông).

Trích lời Vincent:
 
“Tomokawa, 59 tuổi, mới nhìn giống hệt như mới bước ra từ một bộ phim yakuza: guitar cầm trên tay, ông hát gần như hét. Nhưng rồi chúng ta biết thêm về Tomokawa và những tầng lớp khác nhau trong cuộc đời ông: những lần đóng phim cho Nagisa Oshima hay Takashi Miike, đam mê của ông với trường đua xe đạp, tật nghiện rượu, những bức tranh tuyệt vời ông vẽ, những trải nghiệm của ông với người con trai.. Ta sớm có được cảm giác rằng chỉ có duy nhất một Kazuki Tomokawa, cũng giống như chỉ có duy nhất một Rimbauld.
 
“Vài ngày trước, khi đang giúp tôi biên tập La Faute Des Fleurs, một người bạn đột nhiên bật khóc. Khi được hỏi rằng có chuyện gì, cô quay ra tôi và nói: “Cái cách ông ấy nói chuyện…, giống như một bài thơ vậy.”

Năm sản xuất: 2009 / 70 phút /Phim tài liệu / Đạo diễn: Vincent Moon

Giờ chiếu: 16h00 – Chủ Nhật 16/9/2012
Tại: Hanoi Cinemathèque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bộ phim KanZeOn (Quan Thế Âm - “nhìn thấy âm thanh”) là bộ phim tài liệu, nhưng không ở nghĩa hẹp của từ này, tìm về mối quan hệ giữa âm thanh và vai trò của nó trong Phật giáo Nhật Bản và Thần Đạo (Shinto) thông qua ba nhân vật chính: tăng sĩ kiêm DJ trẻ tuổi Akinobu Tatsumi; Eri Fujii, nữ nghệ sĩ đàn ống shō, một nhạc cụ truyền thống Nhật Bản được cho là mô phỏng tiếng và hình dáng phượng hoàng; và nghệ sĩ trống tsudumi Akihiro Itomi bậc thầy về kịch Noh, đồng thời một người hâm mộ nhạc jazz... Trên hết, xuyên suốt bộ phim là cuộc hành trình vào thế giới âm thanh và hình ảnh mang đậm các sắc màu văn hóa truyền thống Nhật Bản, nhưng dưới cách nhìn nhận rất hiện đại của thế kỷ 21 và phương Tây.

Phim do hai đạo diễn Neil Cantwell và Tim Grabham thực hiện, chủ yếu quay tại đảo Kyushu, hòn đảo lớn thứ ba tại Nhật.

Năm sản xuất: 2011 / 87 phút /Phim tài liệu / Đạo diễn: Neil Cantwell & Tim Grabham

Giờ chiếu: 20:00 – Chủ Nhật 16.9.2012
Tại: Hanoi Cinemathèque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội

Chú ý: Các phim Trực tiếp từ Tokyo, Cuốn băng cuộc đời & Quan Thế Âm được chiếu nguyên bản tiếng Nhật, có phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh; Phim Lỗi tại muôn hoa được chiếu nguyên bản tiếng Nhật với phụ đề tiếng Anh và dịch tiếng Việt qua tai nghe; Phim Thánh địa là phim thu hòa nhạc trực tiếp, không lời.

Vé vào cửa miễn phí được phát từ 14h00 ngày hôm nay, thứ Sáu 31/8/2012 tại: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 04 3944 7419, mở cửa hàng ngày từ 09h00 - 18h00.

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article