Núi Phú Thọ (còn có tên núi Đá, núi Thạch Sơn) tọa lạc tại xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, cao chừng 60m so với mực nước biển.
Nằm cạnh cửa biển Đại Cổ Lũy, núi Phú Thọ như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi.
< Núi Phú Thọ.
Sở dĩ gọi là núi Đá vì trên núi có nhiều khối đá granit xám có kích cỡ và hình dạng khác nhau. “Nhất bộ dị trạng” (mỗi bước một đổi thay hình dạng) là cách nói diễn tả vẻ đẹp độc đáo của núi đá Phú Thọ ở mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc thời gian. Đây là cấm Bầm Buông, với những khối đá chồng hoặc xếp dọc bên nhau như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa để thành đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào phát ra chuỗi âm thanh trầm bổng diệu kỳ. Còn kia là gò Đá Trận, lô nhô đá nhỏ, đá to bên sườn đồi, ẩn hiện bóng cây, bóng lá.
< Đá Hòn Chồng.
Kỳ thú là chùa Hang thiên tạo với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên. Rêu phong phủ đầy vách đá tạo nên vẻ u tịch hoang sơ. Giữa ngày hè nóng bức, hang đá mát rượi. Rễ cây đa cổ thụ lách qua kẽ đá dẫn từng giọt nước trong veo rơi tí tách xuống lòng hang. Tương truyền, ngày trước ở hang đá này, cứ đến rằm tháng 7 âm lịch có một con hổ to, lông đủ màu sắc, lặng lẽ xuất hiện trước sân chùa, chẳng mảy may làm kinh động đến người và muông thú, dân làng mến mộ gọi là “ông hổ đi tu”. Sách Quảng Ngãi nhất thống chí của tiến sỹ nho học Lê Ngãi viết về ngọn núi này như sau:
‘‘Núi Phú Thọ, ở phía Đông, cách huyện trị (Tư Nghĩa) 11 dặm, Đông giáp cửa bể Cổ Lũy, Tây liền với núi Bàn Cờ, Nam giáp Vũng Tàu, Bắc giáp sông Trà. Núi có những đá to mọc vút lên và nhọn trông như ngón tay trở lên. Đời Tự Đức đặt pháo đài ở đỉnh núi này để phòng giặc bể. Thiệt là một tòa núi đứng trấn cửa bể to.” (Quảng Ngãi nhất thống chí – bản Quốc ngữ, chép tay).
Đứng trên đỉnh núi Phú Thọ, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng thiên nhiên rộng lớn. Vào những buổi bình minh, khi mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên trên mặt biển bao la cũng là lúc những con thuyền nan cửa Đại sau một đêm ngủ mơ trong giấc sóng bỗng khe khẽ cựa mình, chầm chậm nối nhau ra biển đón đoàn thuyền đánh cá trở về trong dìu dịu sương mai. Xa xa, hơi chếch về phía Bắc là mũi Ba Làng An. Xa hơn nữa, ghé về Đông, nhấp nhô trên sóng là cù lao Ré. Sông Trà Khúc bên kia, sông Vệ bên này ùa nước vào nhau để thênh thang cửa Đại.
Theo hồ sơ của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, phế tích thành Bàn Cờ trên núi Phú Thọ có hình thang cân, cạnh trên 52m, đáy 60m, cao 25m, diện tích mặt thành khoảng 500m2. Bờ thành Bàn Cờ vốn được xây bằng gạch. Trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ. Thành Bàn Cờ hợp với thành Hòn Yàng và lũy Cổ Lũy thành hệ thống phòng thành, bảo vệ thành Châu Sa (phía tả ngạn sông Trà Khúc), nên thường được các nhà chuyên môn gọi chung là hệ thống phòng thành Cổ Lũy.
< Phế tích Thạch Sơn tự trên đỉnh núi.
Cũng tại khu vực Cổ Lũy – Phú Thọ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích thời tiền Champa, có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ VII. Năm 2004, một cuộc khai quật đã được tiến hành. Trong hố khai quật hiện rõ các chân móng cột nhà lớn, có gia hạ bằng gạch vỡ và đá cuội. Hiện vật tìm thấy gồm các vật liệu kiến trúc (ngói lòng máng, gạch, chóp nóc...) và đồ gia dụng (nồi, hũ kendi, chân đèn, bát...). Các nhà nghiên cứu cho rằng, vật liệu kiến trúc ở đây (ngói lòng máng, đầu ngói ống trang trí mặt hề, chóp búp sen...) khá giống với các vật liệu tương tự ở Trà Kiệu, Thành Hồ...
Núi Phú Thọ, thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng còn gắn với nhiều giai thoại kỳ thú. Chuyện rằng, vào những đêm trăng thanh vắng, các nàng tiên trên thượng giới thường bay xuống thành Bàn Cờ mà ngắm cảnh, đùa trăng. Còn ở thành Hòn Yàng thi thoảng lại thấy “vàng Hời” chấp chới trong đêm như thể ma trơi.
< Cổ Lũy cô thôn.
Năm 1903, sau chuyến đi chầu hầu sang Pháp, Nguyễn Thân (1853 – 1914) xin về trí sĩ, bỏ quê cũ ở Thạch Trụ (Mộ Đức), chiếm cứ cả núi Phú Thọ và nhiều đất đai quanh vùng, xây dựng dinh cơ, đình tạ, đưa cả gia đình đến đây sinh sống, thỏa lòng dạ ham muốn công danh của một kẻ bán nước cầu vinh. Nhưng sự thể của gần 40 năm sau thì khác. Cuộc vùng dậy dữ dội và quyết liệt tháng 8 năm 1945 đã quật nhào bộ máy thống trị thực dân - phong kiến ở Quảng Ngãi và khắp cả nước. Trong cơn phẫn uất, người dân quanh vùng đã đập phá toàn bộ dinh cơ của Nguyễn Thân trên núi Phú Thọ.
Năm tháng đi qua, mặc cho những đổi thay nhân thế, núi Phú Thọ vẫn sừng sững trấn giữ một vùng hải khẩu; thôn Cổ Lũy vẫn còn đó dáng vẻ tịch mịch, u trầm của một làng quê trước biển sau sông đã đi vào tâm khảm bao thế hệ người Quảng Ngãi.
Núi Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 43- QĐ/VH ngày 7/1/1993.
Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Du Lịch), internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment