Hôm nay (25.8), hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở “ốc đảo Hansen” (Đà Nẵng) đồng loạt chuyển tài sản, nhà cửa lẫn… ký ức làng quê để vào đất liền. Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây “làng cùi” chính thức chỉ còn trong ký ức.
Vùng đất sơn thuỷ hữu tình này, sẽ có tên gọi mới là Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân, với mức đầu tư 5 tỉ USD của Cty CP Vinpearl.
Nửa thế kỷ với những giấc mơ…
Trước đó, ngày 22.5, các tổ chức quân - dân - chính ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức một buổi tiệc để bà con làng Vân chia tay với làng cũ, lên bờ về nơi ở mới. Buổi tiệc hôm đó ở sân nhà họp thôn. Khách trong bờ nhiều hơn người làng Vân, bởi chẳng ai còn tâm trạng nào mà ăn uống, hát hò.
Ở ngoài sân nắng cạnh đó, bà Cao Thị Hiền đứng quay lưng lại với bữa tiệc để lặng lẽ phơi những bao lúa cuối cùng, chuẩn bị cho hai ngày nữa là về đất liền. Hình như bà không quan tâm đến sự ồn ào của âm nhạc, tiếng cụng ly, những lời chúc mừng... đang rất rôm rả sau lưng mình.
“Sao chị không vào ăn trưa với mọi người mà ngồi lặng lẽ ở đây?” Bà Hiền giật mình, rồi cười buồn: “Tâm trạng mô mà ăn với uống nữa mấy chú. Chỉ còn hai ngày nữa là rời nơi này rồi, mà mọi chuyện vẫn còn đang ngổn ngang trăm mối, vừa buồn, vừa lo...”.
Ở một góc vườn khác cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thuần - một trong những cư dân đầu tiên của làng Vân cách đây gần 50 năm - ngồi bó gối trên chiếc chõng tre nhìn ra bữa tiệc, nước mắt ngắn dài. Ngỡ bà có vấn đề gì đó với buổi tiệc, nhưng hoá ra không phải.
Bà nói “mấy đêm ni tui không chợp mắt được một phút, chú ơi. Gần 50 năm trước, khi lần đầu tiên trốn chạy khỏi quê hương, rời bỏ ánh mắt sợ hãi gia đình, làng xóm để đến đây trú ẩn, tui không ngờ tới việc bây giờ lại thêm một lần nữa phải rời bỏ quê hương thứ hai, dù là tự nguyện...”.
Chúng tôi theo hồi ức của bà Thuần quay về những năm đầu thập niên 1960, khi ngành y tế thế giới chưa tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu cho bệnh nhân phong (cùi), thì nơi heo hút Hoà Vân dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng là một trong những nơi lý tưởng để cho những người bệnh bất hạnh này chọn làm nơi trú ngụ, tồn tại.
“Hồi đó kinh khủng lắm” - bà Thuần rùng mình nhớ lại: “Những ngày đầu, người ta dựng một cái trại bằng vải ở ngay ngoài sân đang tổ chức tiệc kia và nam nữ cùng ở chung trong đó...”.
Năm tháng trôi qua, nhóm người bệnh ở Trung tâm điều trị bệnh phong (của Hội Truyền giáo Cơ đốc) cũng đã tự tìm được kế sinh nhai từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Rồi từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng, với tên gọi quen thuộc là làng Vân.
Năm 1998, Hoà Vân mới chính thức được thành lập đơn vị hành chính cấp thôn, trực thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Lần đầu tiên, “bệnh nhân” và gia đình họ ở nơi này được xem là công dân, được đăng ký hộ khẩu, được đi bầu cử. Dẫu “làng” đã thành “thôn”, nhưng do cách trở giao thông, có nhiều người bị di chứng bệnh tật, tàn phế, nên từ đó đến nay, làng Vân vẫn nghèo nàn, lạc hậu.
Chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 20km, mà cuộc sống ở hai nơi có một sự cách biệt đến khó ngờ. Sự phồn hoa của đô thị chỉ chừng trong tầm với, nhưng với con dân Hoà Vân, được hoà nhập vào TP vẫn cứ là giấc mơ từ nhiều thế hệ.
Ông Trần Hữu Đức - nguyên là chàng lính biên phòng canh gác trạm Hải Vân - gần gũi với dân làng, với bệnh nhân, rồi đem lòng say mê con gái của người y tá ở trại phong này. Ngày xuất ngũ, cũng là ngày Đức “cưa đổ” người đẹp, và anh chọn làng Vân để lập nghiệp, làm trưởng thôn.
Ông Đức kể, ở xứ sở mà xã hội còn ghẻ lạnh này, chúng tôi vẫn nhớ về đất liền. Đêm đêm nhìn ánh đèn sáng bừng nửa vùng vịnh biển, hắt bóng đến tận làng Vân mà thèm muốn được hưởng thụ chút xa hoa của thành phố. Chúng tôi mơ rồi một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông, để trẻ con đi xe đạp. Mong ước lớn hơn là sẽ có bến tàu, để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây, chia sẻ cảnh thần tiên của rừng-biển hoang sơ...
Phía trước đầy bất trắc
Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc - ông Phạm Tấn Xử - cho biết: “Được di dời vào thành phố, đó từng là khát khao lớn nhất của người làng Vân. Lâu nay, dù kinh tế khốn khó, họ đã tìm mọi cách đưa con vào đất liền, theo học. Có ít nhất 20 con em của họ là cử nhân, kỹ sư và trên đại học. Tất cả đều không có ai trở về làng cũ. Nhiều thanh niên khác, lỡ đường học cũng vào thành phố tìm việc lao động phổ thông, rồi cư trú luôn trong đó. Nay là lúc cả làng được vào hẳn thành phố, được tái định cư ngay trên con đường “5 sao” Nguyễn Tất Thành, sát với vịnh biển. Làng quê cũ của họ cũng chỉ trong tầm mắt. Đó là điều lý tưởng. Tuy vậy, chúng tôi đã vấp phải khó khăn chưa tiền lệ, đó là vấn đề kỳ thị của cộng đồng”.
Ông Xử kể, những ngày mới khởi công xây dựng khu tái định cư cho dân làng Vân, nhiều người dân ở phường Hoà Hiệp Nam đã liên tục phản đối, cản trở, tẩy chay... vì cho rằng sẽ bị lây bệnh. Phương án đưa dân xen kẽ vào cộng đồng dân cư cũng bất thành, bởi sống theo cụm còn bị kỳ thị, huống chi sống xen kẽ!
Mặt khác, mong ước của người dân Hoà Vân là được sống gần với biển, nên khó hội đủ các yêu cầu làm thoả mãn được họ. Phương án cuối cùng của chính quyền Đà Nẵng là đưa cả làng vào định cư ở khu nhà liền kề trên đường Nguyễn Tất Thành như ban đầu.
Vậy là việc giải toả, đền bù được giải quyết ổn thoả, nhưng đời sống ở nơi mới sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Văn Hai - một phế nhân bị di chứng của bệnh phong - bức xúc: “Người dân làng Vân đã đồng lòng với chủ trương của thành phố để nhường đất cho một dự án lớn. Nhưng, mức đền bù chưa thật sự tương xứng. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất. Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất, chúng tôi sẽ sống bằng cách gì với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội như hiện nay?”.
Bà Cao Thị Hiền vừa kết thúc việc phơi lúa, cũng tất tả đi đến bên chúng tôi góp chuyện: “Chú coi, ở đây đất đai ruộng vườn bát ngát, ngoài trồng lúa, tụi tui còn nuôi được con heo, con gà... đi bán. Vô đó chằng chằng bốn bức tường, lấy chi mà sống?”. Nghe vậy, bà Thuần - nãy giờ im lặng - lên tiếng: “Vô đó mi có đất để nuôi heo, nuôi gà, thì khi bán có ai dám mua không?”. Nghe vậy, bà Hiền cúi đầu...
Tại cuộc liên hoan ngày 22.8, ngoài việc quá buồn vì phải chia tay làng cũ máu thịt, nhiều người dân đã không thèm đi dự tiệc, để phản ứng với cách hành xử của chính quyền địa phương liên quan đến chuyện nhà mới. Chuyện là, mặc dù UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định rõ là sẽ cấp (không thu tiền) cho mỗi hộ dân làng Vân một căn hộ liền kề tại nơi ở mới. Thế nhưng, trong quyết định giao nhà cho dân, Cty quản lý nhà Đà Nẵng đã ghi là cho thuê thu tiền hằng tháng...
Tiệc chia tay suýt chút nữa thành “tiệc phản ứng tập thể”. Nguyên nhân được giải thích là Cty quản lý nhà thành phố dùng mẫu văn bản cũ để gửi cho dân, nên mới có chuyện như vậy. Sự tắc trách, thiếu ý thức của Cty này kèm với sự thờ ơ, vô trách nhiệm của UBND quận Liên Chiểu, đã khiến bà con làng Vân thêm một đêm mất ngủ và quyết tâm phải làm rõ trắng - đen nhân dịp này, nếu không sẽ “vô bờ kéo xuống đường Bạch Đằng tìm ông Nguyễn Bá Thanh để hỏi cho rõ”.
Rất may, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng đã kịp thời phát hiện, giải thích. Bí thư, kiêm Chủ tịch phường Hoà Hiệp Bắc - ông Phạm Tấn Xử - hứa sẽ đích thân giải quyết cụ thể, từng hộ trong liên tiếp 2 ngày cuối cùng của người dân làng Vân thì những hiểu nhầm gây phẫn nộ kia mới lắng dịu.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, giấc mơ tưởng chừng điên rồ của ông Đức về “một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông để trẻ con đi xe đạp, có bến tàu để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây... sẽ trở thành hiện thực, khi “Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân” khởi công xây dựng. Nay mai, Hoà Vân không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố...
Thế nhưng, để những điều ấy sớm thành hiện thực thì người làng Vân phải ra đi để tìm những giấc mơ khác, gần gũi, thiết thực hơn và cũng ẩn chứa nhiều bất trắc hơn - là cơm, áo, gạo tiền của đời sống hằng ngày...
Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment