Đường về thương cảng Óc Eo xưa
Miền sơn cước
Xe chạy xuyên qua cánh đồng Thoại Sơn mênh mông, bát ngát, lúa chín vàng. Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943, chúng tôi đi về hướng Tây hướng về Núi Sập. Dòng Thoại Giang (còn gọi là Thoại Hà) là một công trình thế kỷ do ngài Thoại Ngọc Hầu chỉ huy. Đã có hàng vạn lượt dân công, cơm nắm mo cau, chân đất đầu trần, tứ phương tụ họp về đây phá rừng, đào đắp, nạo vét kênh bằng những công cụ thô sơ để cho hôm nay dòng Thoại Giang chảy xuôi về biển.
Qua thị trấn Núi Sập, chúng tôi đến chợ Ba Thê, nay có tên mới là thị trấn Óc Eo. Nơi đây đã từng là một thương cảng phồn thịnh thời trung cổ bị vùi lấp dưới lớp đất phù sa hơn ba mét. Người ta đã phát hiện di chỉ này vào năm 1942 và khám phá ra thành cổ Óc Eo vào năm 1944, lúc đào kinh xáng Ba Thê.
Có nhiều cổ vật thu được như khuôn chế tác vật dụng và nữ trang bằng gốm, đá, vàng, đồng. Các tượng đá mang dấu ấn văn hóa Phật giáo và Ấn Độ giáo rất đa dạng như tượng Phật, linh vật, yoni và linga có niên đại cách đây trên dưới một thiên niên kỷ rưỡi. Đặc biệt là nhóm tượng ganesa với mình người đầu voi trông rất ấn tượng.
Lên đỉnh hoa Thê Sơn
Tượng Quan Âm Bồ Tát trên núi
Dưới chân núi Ba Thê, du khách tập trung mua vé để lên núi, bảy ngàn đồng cho hai người, một xe. Có một con đường nhỏ lát bê tông bề ngang chừng ba mét, ngoằn ngoèo, uốn lượn chạy quanh co lên đỉnh. Hai bên sạn đạo là rừng cây thâm u, vách đá dựng, vực sâu thăm thẳm. Quãng đường dài chừng hai cây số nên xe chạy chừng 15 phút thì tới đỉnh. Con đường này có từ đời Pháp thuộc, đến năm 2002 được Nhà nước đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, an toàn để phục vụ cho du lịch.
Hoa Thê Sơn đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, có nhiều sự tích và huyền thoại gắn liền với một nền văn minh một thời kỳ phồn thịnh, rực rỡ trong quá khứ. Trên đỉnh Vọng Thê có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933.
Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao chừng tám mét, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, bao quát khắp thế gian. Mây bay là đà mang hơi sương mát lạnh, cỏ cây xanh tốt ngút ngàn, chim hót líu lo khắp nơi. Thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân vọng khắp núi rừng làm bâng khuâng, xao xuyến lòng người.
Huyền thoại và kiến trúc Hindu giáo
Nhà trưng bày cổ vật hình Yoni - Linga
Có một di tích rất huyền thoại, lạ lùng gợi trí tò mò cho khách. Đó là hòn đá hoa cương cao chừng ba mét, to cỡ gốc cổ thụ bốn người ôm không xuể, nằm bên hông chánh điện của Sơn Tiên Tự. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có dấu bàn chân người, to hơn bình thường một chút, rất rõ. Đó là “bàn chân tiên”! Theo truyền thuyết được các sư trên núi kể lại, xưa kia, lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân mình lên đá để làm dấu.
Dưới triền núi cách chùa Sơn Tiên chừng mười mét có một công trình rất lạ mắt là nhà trưng bày những cổ vật, hiện vật có liên quan đến lịch sử cũng như văn hóa của Ba Thê - Óc Eo. Công trình này có phong cách kiến trúc rất giống những đền đài của các nước vùng Nam Á nên dấu ấn của Ấn Độ giáo thể hiện rất rõ qua kiến trúc mái vòm tròn đứng, cửa hình chữ nhật cao, nhiều tầng, đầu vuốt chữ U ngược.
Các mặt vách chung quanh “đền” đều có tượng thần Ganesa mình người, mặt đầu voi, ngồi với tư thế nghiêm trang, nửa như trầm mặc thiền định, nửa như răn đe canh giữ. Lan can bao bọc sân đền trang trí tượng nhỏ, giống loài ngựa Ả Rập, lùn, hơi nhỏ con. Nhìn tổng thể, “đền” có bố cục kiến trúc sinh phồn thực, mô phỏng, nhân cách hóa hình tượng yoni, linga.
Các màu trang trí chủ đạo là nâu, xám, trắng được sử dụng tối đa, khác với phong cách Angkor - Khmer chi li, nhiều màu sắc. Khu nhà trưng bày có chu vi hình vuông chừng 40m, tam cấp cửa chính ở phía Mặt trời mọc, là nơi ngự trị của các thần linh theo quan niệm Ấn Độ giáo.
Đây là công trình có nét độc đáo, thể hiện bản sắc bắt nguồn từ văn minh Nam Á, được cải biên khi di thực và cộng cư ở bán đảo Đông Dương. Ở ngọn núi Nhỏ cạnh bên có một hòn đá chơ vơ, trên đầu có một phiến đá tròn giống cái nón. Người ta cho rằng vị sư kia đã hóa đá, giống như chuyện hòn Vọng Phu ở miền Trung và miền Bắc, nhưng đây lại là “vọng thê”.
Ở phía Bắc của đỉnh Ba Thê còn có một tảng đá có dáng hình như một cây đao vĩ đại, là bửu bối của trời đất để trừng trị bọn gian ác.
Khi nắng đã xế về Tây, đứng trên đỉnh Ba Thê nhìn xuống đồng bằng xa xa mờ ảo trong khói lam chiều, bạn sẽ thấy tâm hồn như lắng lại, lòng lâng lâng cảm giác thoát tục giữa bốn bề sơn thủy hữu tình.
Theo ĐẶNG HOÀNG THÁM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Link to full article
No comments:
Post a Comment