Gijs Voogt - anh bạn Hà Lan từng trầm trồ “Hà Nội bụi bẩn, tắc đường nhưng phụ nữ rất điệu” đã chứng minh điều ngược lại: Không có tiền vẫn có thể đi du lịch và tận hưởng cuộc sống.
< Gijs Voogt ở Ý.
Trong 6 tháng liền, Gijs Voogt đã đạp xe tới 8 nước châu Âu: Bỉ, Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Jordan, Israel và gần tới Ai Cập chỉ với 3 USD dính túi.
Học nghệ thuật, Gijs từng làm thuỷ thủ để chu du hơn 40 nước trên thế giới bằng thuyền. Anh cho rằng biển là nơi tuyệt vời để lãng mạn và sáng tạo.
Thuyền, máy bay, xe đạp và cuộc sống không giới hạn
Ở Châu Âu nơi anh sống, có câu nói “only the sky is the limit” - chỉ bầu trời là giới hạn, hàm nghĩa mọi việc đều có thể. Vào khoảng khắc tự mình điều khiển trực thăng bay trên bầu trời bao la, Gijs tạo ra chân lý mới của riêng mình: Ngay cả bầu trời cũng không có giới hạn, bởi vì tôi biết bay.
Nếu mọi thứ là không giới hạn, thì tại sao lại không du lịch bằng xe đạp? Gijs nghĩ sau nhiều tháng trời lênh đênh trên biển. Anh đi du lịch quá nhiều nên lúc này, đi ô tô hay tàu trở nên quá nhàn hạ, chẳng còn gì thú vị. Có tiền đi du lịch thì dễ, đi xe đạp với túi gần như rỗng không là cơ hội thử thách bản thân mình, thoát khỏi sự ràng buộc của tiền bạc.
Cùng với một người bạn, Gijs bắt đầu từ Hà Lan tới Ai Cập, đi qua các nước Bỉ, Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Jordan, Israel và gần tới Ai Cập. “Chúng tôi chỉ có 3 USD trong túi, cùng một đống hành lý to oạch nặng chừng 30 kg sau xe đạp để thực hiện hành trình”.
Một túi ngủ, lều để căng lên, ngủ vào ban đêm, bếp ga nhỏ, nồi, bát, cốc, võng, bóng và chày để tung hứng, nhạc cụ (một loại nhạc cụ ống dài của Úc, phát ra những tiếng bùm bùm), walkmen nhỏ để nghe nhạc, hộp lấy ánh nắng mặt trời để xạc pin, kính râm, camera, kem đánh răng, kem chống nắng, nhật ký… nói chung là tất cả những gì họ cần dọc đường đi.
Họ khởi hành vào lúc gần tới mùa đông cực lạnh ở Hà Lan. “Trời lạnh buốt. Gió quất rát mặt. Mưa nặng hạt suốt hai tuần liền còn chúng tôi thì đạp xe lên núi, chẳng khác gì hai con rùa bò khó nhọc với hai cái mai nặng nề leo lên một thân cây cao ngất”.
< Gijs Voogt: Cuộc sống là không giới hạn.
Lúc xuống núi họ lại lao vút không phanh, phóng vèo qua cả mấy chiếc xe tải, vận tốc lên tới 84 km/h. Gijs phân bua không phải mình thích mạo hiểm, mà cơ bản là “sợ hỏng má phanh vì má phanh rất đắt”. Sau một lần anh bạn đồng hành bị ngã, cả hai đành phải hi sinh má phanh thay vì mạo hiểm với chính cơ thể mình.
Anh bạn Hà Lan này cho rằng đi xe đạp, ngủ nhờ nhà dân dọc đường đi cho phép trải nghiệm cuộc sống thực, không giống như sách vở, phim ảnh.
“Trên phim có những cảnh lãng mạn kiểu như những nhà thờ ở Pháp sẵn sàng mở cửa cho tất cả mọi người trong một đêm mưa gió. Thực tế là trong một đêm mưa to, trời tối, chúng tôi gõ cửa một nhà thờ ở Pháp xin ngủ nhờ, ngay lập tức bị đá ra khỏi cửa, hỏi xin cắm lều trong vườn cũng không cho” (?)
Gijs và bạn đồng hành phải đạp xe trong đêm tối suốt hai giờ liền, cuối cùng phải ngủ trong rừng giữa trời mưa gió. Thế nhưng ở những nước Đạo Hồi như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, nơi tưởng chừng như kém an toàn hơn vì các nguy cơ khủng bố, hai người lại được mời vào ngủ trong một ngôi nhà yên bình và ấm áp…
Thà xin ăn chứ không cướp
Suốt 6 tháng liền đi xe đạp, nhiều nơi Gijs và bạn mình thậm chí không có tiền mua bản đồ, hai người chỉ nhìn la bàn và cứ hướng Nam thẳng tiến. Nguyên tắc đầu tiên mà Gijs đặt ra cho chuyến đi là dù chết đói cũng không trộm cướp, nhưng ai cho thì nhận.
Từ Ý đến Thổ Nhĩ Kỳ phải đi bằng thuyền, trong khi Gijs và bạn không có tiền mua vé. Hai người đi loanh quanh Napoli, một thành phố gần biển của Ý, tìm việc để kiếm tiền. Một đôi vợ chồng đã thuê họ sơn nhà. Gijs và bạn làm việc ở đó 5 ngày, mỗi ngày 7h và kiếm đủ tiền đi Hy Lạp.
< Gijs Voogt và cô vợ Hà Nội nhỏ bé Trần Thị Hải Yến.
“Nhưng tuyệt nhất là bà chủ nhà tốt bụng với món mỳ Ý cực ngon, hai chàng trai Bắc Âu to vật vã chết đói lâu ngày ăn hùng hục như hai con ngựa.”, Gijs cười nói.
Nhiều nơi trên hành trình, Gijs và bạn để xe ở lề đường, mở đồ nghề ra, tung hứng trong tiếng nhạc, người ta sẽ xúm lại nghe, nhảy múa và cho tiền. Ở vùng nông thôn của Thổ Nhĩ Kỳ, hình ảnh hai chàng trai Bắc Âu cao lênh khênh với xe đạp chất đầy đồ đạc trở thành một chuyện lạ lùng. “Thật kỳ diệu, một người Hà Lan tới đây bằng xe đạp”, những khuôn mặt bừng sáng, ngạc nhiên.
Với họ, thành phố Amterdam rực rỡ hoa là nơi xa xôi trong giấc mơ vẫn thường mơ tới, “Thế thì tôi cũng có thể tới Hà Lan bằng xe đạp”, ý tưởng đó khiến người ta chào đón Gijs với sự hân hoan ngọt ngào, với những chổ ngủ sạch sẽ trong vườn nhà, những bữa ăn no căng và rất nhiều khoai tây.
“Có thời điểm sau lưng mỗi đứa là 15 kg khoai tây. Cứ tưởng tượng bạn đạp xe lên núi với 55 kg đằng sau mà chẳng thể làm gì được, cắm cổ cắm đầu, thở phì phò mà leo thôi. Ai cho gì thì nhận nấy, và nhất quyết không bao giờ vứt những thứ người ta cho là nguyên tắc thứ hai của cuộc hành trình.”
Gijs nói, khi được cho cái gì ngon hơn, hấp dẫn hơn mà bỏ đi những thứ khác, thì chẳng khác nào “có mới nới cũ”, là làm điều không phải với người đã cho ta. Bởi thế dù có ì ạch với cả bao tải khoai tây, hai chàng trai nhất quyết không vứt một củ nào.
Cuối cùng, Gijs và bạn đã trở về bình yên sau hành trình 180 ngày đi xe đạp với chỉ 3$ dính túi. Thẻ tín dụng để phòng trường hợp gãy tay, gãy chân hay tai nạn bất ngờ còn có tiền để đưa về nước cũng không dùng đến.
Đạp xe đi khắp châu Âu cho phép Gijs trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác, không “cưỡi ngựa xem hoa” mà hít sâu, thở chậm, đón nhận toàn bộ sự sống động của vùng đất mình tới. “Điều tuyệt vời hơn nữa là biết rằng mình có thể sống hạnh phúc, khoẻ mạnh dù không có tiền, mình không bị ràng buộc bởi bất kỳ biên giới nào”
“Người ta vẫn nghĩ đi du lịch nước ngoài phải có nhiều tiền. Điều cản trở chính là thứ bạn nghĩ chứ không phải là thực tế!” - Gijs nói.
Du lịch, GO! - Theo Hướng Dương (Kienthuc.net) cùng nhiều nguồn ảnh khác.
Link to full article
No comments:
Post a Comment