Câu chuyện của tôi với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến xoay quanh đề tài mà anh khề khà gọi là “chuyện xưa chưa cũ”...
Câu chuyện của tôi với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến xoay quanh đề tài mà anh khề khà gọi là “chuyện xưa chưa cũ”...
Xe bus Hà Nội thời… Karosa
Nguyễn Ngọc Tiến hẹn tôi ở một quán cà phê trên đường Lê Thái Tổ, đối diện Hồ Gươm. Trời thu Hà Nội đẹp mơ màng. Làn sương mỏng trải nhẹ trên mặt hồ. Không gian ấy dường như rất hòa hợp với anh, một con người từ dáng đi, giọng nói đều chứa chất những nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An một thời.
Nguyễn Ngọc Tiến yêu Hà Nội, mảnh đất nơi anh sinh ra, lớn lên. Tình yêu ấy được anh chắt lọc qua những tác phẩm nhẹ nhàng, dung dị và tinh tế pha chút hóm hỉnh về Hà Nội. Suốt hơn 20 năm cầm bút, không kể hàng trăm bài báo viết về cuộc sống, con người Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến “Đi ngang Hà Nội” rồi lại “Đi dọc Hà Nội”. Những bước chân của anh lang thang tới từng ngõ nhỏ, phố nhỏ để ghi lại câu chuyện về người xây Tháp Rùa, chuyện “Răng trắng, răng đen và răng… tetracycline”, người trồng hoa làng Ngọc Hà, hàng phượng phố Tràng Tiền…
Ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay năm 1982. |
Nhưng trong câu chuyện với tôi, anh lại nói về một Hà Nội khác. Đó là về xe bus Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, Nguyễn Ngọc Tiến là chàng sinh viên Khoa Lý luận - Phê bình, Đại học Sân khấu điện ảnh. Ngày ấy, xe bus có hai loại. Một là loại xe Karosa (của Tiệp Khắc), rất dài. Hai là xe Ba Đình (do Việt Nam lắp ráp) mà theo cách nói vui của anh là trông giống cái... chuồng gà. Giá vé xe bus hồi ấy là 2 đồng/vé. Tuy nhiên, xe bus chỉ có ở một số tuyến chính và khoảng 20 phút mới có một chuyến nên lúc nào cũng chật kín người.
“7h sáng, xe bus đã đông nghẹt, chủ yếu là các cán bộ, nhân viên với một cặp lồng cơm trên tay. Nhưng có khi xuống xe thì cặp lồng ấy đã bị bẹp vì chen chúc. Nhiều khi đông quá nên xe bỏ bến, tôi và mấy anh chàng cùng lớp phải “bày mưu”, nhờ mấy cô xinh đẹp ở trường múa bên cạnh đứng ra vẫy, may ra mới được lên xe”, Nguyễn Ngọc Tiến cười.
Trên xe bus, có rất nhiều câu chuyện tình yêu nảy nở và nhiều đôi nên vợ nên chồng từ những chuyến xe bus đông nghẹt người ấy.
Xe đạp Hà thành thời… biển số
Theo Nguyễn Ngọc Tiến, trước năm 1975, xe đạp ở Hà Nội còn hiếm. Chủ yếu do những người đi công tác ở các nước xã hội chủ nghĩa mang về, trên đó có ghi số khung và người đi xe phải đăng ký biển số. Sau giải phóng, lượng xe đạp ở Hà Nội tăng đột biến do những người ở miền Nam mang ra. Loại xe này không có ghi số khung. Cũng bởi thế mà từ năm 1976, Hà Nội bỏ luôn việc đăng ký biển xe đạp.
“Hà Nội tắc đường từ những năm 1989, chủ yếu trên các phố Khâm Thiên, Chùa Bộc, Nguyễn Khuyến…”, Nguyễn Ngọc Tiến kể. Khi ấy, anh vừa nhận công tác ở báo Hà Nội mới. Nguyễn Ngọc Tiến đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng này. Sau đó, một đồng nghiệp của anh cũng đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu khi ấy về vấn đề này. Vị Bộ trưởng đã đưa ra một kế hoạch mở rộng, cải tạo giao thông, giảm ùn tắc ở Hà Nội. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến thực tế còn là khoảng cách quá xa nên giao thông Hà Nội vẫn không được cải thiện.
Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: “Nếu vấn đề giao thông được giải quyết từ những năm 1990 thì có lẽ, giao thông Hà Nội sẽ không đến nỗi tệ hại như bây giờ”.
Năm 2003, Nguyễn Ngọc Tiến lại thực hiện loạt bài 4 kỳ “Giao thông Hà Nội - Những bất cập và giải pháp” (Gồm: Giao thông Hà Nội thời Pháp thuộc, Giao thông Hà Nội thời bao cấp, Giao thông Hà Nội những năm cuối thế kỷ XX, Giao thông Hà Nội hiện tại). Loạt bài này sau đó đã được nhận giải thưởng Ngô Tất Tố.
Theo Nguyễn Ngọc Tiến, người ta vẫn bàn nhiều đến văn hóa giao thông, tìm xem xe máy hay ô tô là thủ phạm gây tắc đường, nhưng vấn đề cần quan tâm là giải bài toán về hạ tầng giao thông. Thực tế, không biết do tầm nhìn của các nhà quản lý hạn hẹp hay vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào đó mà người ta vẫn cho cấp phép xây những tòa nhà cao tầng trong nội đô.
Anh đặt câu hỏi: “Tại sao các tòa nhà cao tầng vẫn mọc lên ngày càng nhiều, trong khi với mật độ dân số gần 3.000 người/m2, Hà Nội sẽ không thể đáp ứng được những nhu cầu đi theo nó như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… Bởi vậy, tắc đường ngày càng trầm trọng là điều tất yếu”.
Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958, hiện phóng viên báo Hà Nội mới. Những tác phẩm đã xuất bản: “Phần mềm tình yêu” (truyện ngắn, 2006), “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” (2008), “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội” (2012). Với nhiều tác phẩm thể hiện những trải nghiệm và một tình yêu Hà Nội sâu sắc mà lắng đọng, anh vừa vinh dự nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. |
Hà Nguyên
Link to full article
No comments:
Post a Comment