Monday, August 6, 2012

“Đặc sản” cổ ở Bạc Liêu

Tưởng rằng chỉ có công tử Bạc Liêu mới là “đặc sản” ở xứ phồn vinh, phóng khoáng một thời này, dè đâu còn nhiều món lạ khác mà nhiều người chưa biết.

“Vườn nhãn cổ” chạy dài suốt 11km (từ xã Hiệp Thành tới Vĩnh Trạch Đông) - Ảnh: D.T.H.


Từ TP Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu về hướng biển chừng 6km có con đường nhựa bên trái, trên có tấm bảng để “Vườn nhãn cổ”. Theo hướng đó chừng 2km là gặp ngay vườn nhãn mé bên trái.

Đến vườn nhãn ăn... bánh xèo
Từ TP.HCM, du khách có thể mua tour tham quan đồng bằng sông Cửu Long tại các công ty du lịch với rất nhiều lựa chọn. Có thể đi xe máy kiểu “dân phượt” hoặc “bắt” xe đò (giá vé 150.000 đồng/vé) tới TP Bạc Liêu, sau đó thuê xe đi tiếp theo đường Cao Văn Lầu để đến vườn nhãn cổ, cách trung tâm Bạc Liêu chừng 7km. 

Vườn nhãn chạy dài suốt 11km (từ xã Hiệp Thành tới Vĩnh Trạch Đông), nhãn ở đây hầu hết có thân to, vỏ cây xù xì, không khí ở đó mát rượi. Vì nhãn trồng nhiều nên tên ấp được gọi là Giồng Nhãn. Đáng tiếc là nhãn ở đây ăn không ngon bằng nhãn nơi khác. Nhưng bù lại dưới tán nhãn du khách có thể thưởng thức bánh xèo kiểu Bạc Liêu, được chế biến với tôm, tép tươi rói đánh bắt tại chỗ. Nói theo ngôn ngữ thị trường, giá cả rất cạnh tranh nên du khách, sau khi tham quan các nơi, thường đến đây thưởng thức món ngon này.

Theo bà Lý Nguyệt Ken, 49 tuổi, từ hơn 120 năm trước ông cố ngoại bà đã lập nên vườn nhãn tại nhà. Cây giống xin được từ ông Trương Khanh, một người Hoa từ Triều Châu sang lập nghiệp, đem theo giống nhãn có tên gọi là Subic. Sau đó, cháu nội ông Khanh là ông Trương Kiết nhân rộng ra, trồng trên diện tích 3ha rồi cho bà con trong vùng cùng trồng.

Nhãn thích hợp với vùng đất này nên phát triển tươi tốt, đem lại nguồn lợi kinh tế dồi dào. Những năm gần đây, cây nhãn không còn cho trái nhiều nên một số chủ vườn đã đốn bỏ để trồng xoài, mận… bởi thế vườn nhãn bớt sum sê.

Cây xoài này có tuổi thọ hơn 300 năm - Ảnh: D.T.H. 

Tuy nhiên, theo ông Quách Thanh Liêm - phó phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu), tỉnh đã có chủ trương duy trì vườn nhãn cổ làm khu du lịch sinh thái, văn hóa nên đang vận động các chủ vườn giữ lại, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí và tu bổ thêm các hạng mục vui chơi để thu hút du khách.  

Từ vườn nhãn cổ đi theo hướng Vĩnh Châu chừng 2km có con đường nhỏ bên trái, quẹo vô chừng 500m là tới cây xoài cổ, tàn lá sum sê, gốc bự cỡ sáu người ôm không hết. Cây xoài cao chừng 20m, nằm trong khuôn viên khu nghĩa địa kế bên chùa Ông Bổn của người Hoa.
Theo cụ Trịnh Tý (lão nông 87 tuổi ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông), cây xoài này có tuổi thọ hơn 300 năm, từ hồi ông còn nhỏ xíu đã thấy cây xoài này to lớn rồi. Đây là vùng biển nước mặn nhưng dưới gốc xoài có mạch nước ngọt giúp cây xoài tươi tốt quanh năm, có lẽ vì vậy nên cây “thọ” tới nay. Trái xoài hơi tròn, nhỏ như trái quýt, hột to, khi chín ăn rất ngọt.

Tháp cổ Vĩnh Hưng - Ảnh: D.T.H

Và xem đồng hồ đá

Trong nội ô TP Bạc Liêu, phía sau Nhà Thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm, ở một góc vắng vẻ trên đường Hai Bà Trưng có chiếc đồng hồ Đá (còn gọi là đồng hồ Thái Dương) do bác vật (kỹ sư) Lưu Văn Lang xây tặng ông tỉnh trưởng Bạc Liêu hồi đầu thế kỷ 20. Đồng hồ là một khối đá hình chữ nhật, cao 1m, rộng 0,8m, trên mặt có ba phần: phần giữa hình chữ nhật nhô ra phía trước; hai mặt hai bên hình vuông, mỗi mặt khắc sáu chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ.

Ánh nắng mặt trời chiếu xuống sẽ chia mặt đồng hồ thành hai mảng sáng tối rõ rệt. Con số nào nằm ngay hai mảng này là số giờ lúc đó. Nói cách khác, lằn ranh hai mảng sáng tối chính là kim chỉ giờ. Hồi đó các quan chức tỉnh Bạc Liêu thường coi giờ ở đồng hồ đá này để đi làm. Tuy nhiên, khi có bóng râm thì đồng hồ mất tác dụng.

Hiện nay độ chính xác của đồng hồ sai lệch trong khoảng 2 phút, vào những ngày ảnh hưởng chu kỳ của vòng quay Trái đất. Cái hay của kỹ sư Lưu Văn Lang là chọn được địa điểm xây dựng đồng hồ, sao cho ánh nắng mặt trời chiếu vô ngay vạch chỉ số giờ một cách chính xác tới tận bây giờ.

Theo tài liệu khoa học, tỉnh Bạc Liêu ở vị trí 9 độ 38 vĩ độ Bắc, 105 độ 51 phút 54 giây kinh độ Đông. Kỹ sư Lưu Văn Lang đã dùng công thức lượng giác tính ra độ lồi của mặt nghiêng (130 độ) để chọn điểm thiết kế chiếc đồng hồ này.

Đồng hồ Thái Dương - Ảnh: D.T.H.

Đến Bạc Liêu, du khách cũng nên tham quan tháp cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992 và ngôi mộ cổ trăm năm ở phường 5, gần đường Cao Văn Lầu. Những “đặc sản” này chắc chắn sẽ làm phong phú thêm chuyến đi của du khách về vùng đất giàu chất văn hóa Nam bộ này.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Tuổi trẻ online

Link to full article

No comments:

Post a Comment