Monday, August 6, 2012

Thành cổ Quảng Trị

Ngôi thành cổ rộng 16 hecta nằm ở góc đông bắc thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Trước khi diễn ra trận đánh khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972, thành vẫn nguyên vẹn rồi sau đó gần như bị san phẳng, vùi lấp hàng vạn thi hài chiến sĩ trận vong. Ngày nay, thành cổ được bảo tồn như một chứng tích chiến tranh, một nghĩa trang không có nấm mồ và là một điểm đến của du lịch tâm linh.

Năm 1827, vua Minh Mạng cho xây thành trì kiên cố với tường thành cao hơn 9 mét, dưới chân dày 12 mét, xây bằng gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi và mật mía. Thành có 4 cửa; cửa tiền hướng nam, cửa hậu hướng bắc và hai cửa hữu, cửa tả quay về hướng tây, hướng đông. Trong ảnh, cửa tiền (hướng ra đường Lý Thái Tổ) bị sập hoàn toàn trong chiến tranh, nay là cửa duy nhất được xây mới và trở thành lối ra vào chính của thành cổ Quảng Trị

Tường thành bao quanh hình vuông, bốn góc nhô ra thành bốn pháo đài cũng có hình vuông; bên ngoài thành có hào nước bao quanh. Trước năm 1972, trừ bờ hào phía bắc, ba phía còn lại đều bị nhà dân xây bít và lấn ra hào; ngày nay bốn mặt thành đều được thông thoáng, xây tường hào bao quanh sát chân thành và đường phố bên ngoài rất đẹp. Ảnh: góc thành về hướng đông nam

Sau 81 ngày đêm bị vùi dập đạn bom (từ 28/6 đến 16/9/1972), chỉ còn một đoạn hơn chục mét tường thành sát cửa hậu (quay về hướng bắc) còn được bề cao hơn đầu người, cửa thành đổ sụp phần trên, vòm cửa ra vào vẫn nguyên. Trong ảnh, cửa hậu vẫn được giữ nguyên như sau chiến trang, các loại dây leo phủ kín bờ thành và vòm cửa

Ở góc đông bắc bên trong thành có khu nhà lao giam giữ tù nhân chính trị do người Pháp xây dựng từ năm 1929 và tồn tại cho đến 1972. Ngoài các phòng giam bình thường, hầm đá là nơi biệt giam tù nhân trong điều kiện ác nghiệt nhất. Trong ảnh, hầm đá bị sập một góc cho thấy những ô biệt giam chật hẹp

Trước năm 1972, người dân Quảng Trị không nói đến từ "thành cổ" (thật ra thành lũy nào cũng là kiến trúc cổ, nửa sau thế kỷ XX, các công sự phòng thủ không còn xây theo kiểu cũ). Chỉ từ trận chiến năm 1972, cái tên "Thành Cổ Quảng Trị" trở nên nổi tiếng như một nỗi hãi hùng về sự chết chóc. Mỗi tấc đất ở thành cổ đều có bom đạn và xác người. Trong ảnh, hào dọc theo bờ thành phiá đông, xa xa là đường dẫn vào cửa tả. Cũng cần phân biệt tên gọi di tích Thành cổ với Cổ Thành - nằm sát thị xã Quảng Trị, cách Thành cổ khoảng 1km - là tên một làng thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong

Khu thành cổ là một phần của quần thể di tích Thành cổ và sông Thạch Hãn, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia của Việt Nam. Toàn bộ diện tích trong thành được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đã nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...

Một đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh ở thành cổ được xây dựng ở vị trí trung tâm. Tượng đài hình tròn tượng trưng nấm mồ cho những người đã mất. Kiến trúc thể hiện thế lưỡng nghi, tầng trên là dương, dưới là âm có khoảng trống thông nhau

Phía tây thành cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông

Tháp chuông (ảnh) được khánh thành vào ngày 29-4-2007; chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn các liệt sĩ. Quả chuông đồng có chiều cao 3,9 mét, đường kính 2,15 mét, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp có chiều cao gần 10 mét

Quảng trường Thành Cổ nối liền không gian giữa thành cổ với sông Thạch Hãn. Nơi đây có nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm ven bờ hữu ngạn sông Thạch Hãn

Đối diện với quảng trường thành cổ, bên bờ tây, tả ngạn sông Thạch Hãn cũng có nhà và bến thả hoa đăng

Dòng sông Thạch Hãn, cũng là nơi hy sinh của không biết bao nhiêu chiến sĩ từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông để vào thành cổ chiến đấu. Vào các ngày lễ lớn hàng năm, đặc biệt vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chính quyền địa phương tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm liệt sĩ đồng thời ở hai bên bờ sông

Bài và ảnh: Mai Lĩnh

Link to full article

No comments:

Post a Comment